Lỗi giao dịch trực tuyến, ai chịu trách nhiệm?

(ĐTCK) Sự cố chiều 26/8 liên quan đến lỗi hệ thống phần mềm giao dịch của CTCK VNDirect (VNDS) khiến không ít nhà đầu tư bức xúc. Sự việc này đặt ra câu hỏi: Cần làm gì để hạn chế thấp nhất sự cố và không gây ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin vào tính công bằng trên TTCK của nhà đầu tư.
Theo quy định hiện hành, số tiền bồi thường tối đa là 10% giá trị thiệt hại do hủy lệnh bị lỗi Theo quy định hiện hành, số tiền bồi thường tối đa là 10% giá trị thiệt hại do hủy lệnh bị lỗi

Đong đếm thiệt hại

Đầu giờ chiều ngày 26/8, khi thị trường đang giao dịch sôi động thì có những lệnh liên tiếp đặt mua, bán một số mã cổ phiếu như VND, SD9, SD6, AAA, PVS, PVL… với số lượng lớn rồi hủy, sau đó trên mạng xuất hiện nhiều thông tin HNX đang chặn lại các lệnh mua bán đối với các mã cổ phiếu trên.

Điều đó làm một số nhà đầu tư bất an, tìm cách bán tháo các cổ phiếu đó hoặc các cổ phiếu khác vì thấy có những tín hiệu rất bất thường của thị trường. Điều này đã làm nhiều nhà đầu tư bị những thiệt hại hoàn toàn có thể kiểm chứng được.

Chỉ sau khi phiên giao dịch kết thúc, mọi người mới được thông báo: Do lỗi của phần mềm nên nhiều lệnh lớn từ công ty này bị gửi nhiều lần vào hệ thống nên HNX phải ngắt kết nối trực tuyến của VNDS và cùng Trung tâm Lưu ký chứng khoán xử lý những lệnh lặp vì lỗi này, VNDS đã bị cảnh cáo.

Trong phiên giao dịch ngày 27/8, do VNDS bị ngắt kết nối trực tuyến nên nhà đầu tư phải thực hiện giao dịch thông qua điện thoại bàn hoặc viết lệnh trực tiếp tại sàn chứng khoán. Lệnh được chuyển vào hệ thống HNX thông qua đại diện sàn gõ thủ công.

Một nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản tại VNDS cho biết, lâu nay bà đã quen với việc đặt lệnh trực tuyến, đồng thời thị trường hiện biến động rất nhanh, bởi vậy nhà đầu tư bám sàn như bà phải “canh me” rất kỹ để sửa lệnh ngay khi cần.

Do việc giao dịch thủ công rất bất tiện và không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, ngày 27/8, bà đã phải tạm dừng giao dịch trên HNX. Cũng may đến 28/8, VNDS được kết nối giao dịch trực tuyến trở lại, nếu không, chưa biết nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại như thế nào vì rất dễ bị lỡ cơ hội mua bán.

Thực tế cho thấy, để đảm bảo yếu tố cạnh tranh, giao dịch trực tuyến hiện là phương thức không thể thiếu với nhà đầu tư và cả CTCK. Mỗi buổi, hàng chục, hàng trăm nghìn lệnh được đưa vào hệ thống một cách nhanh nhất qua giao dịch trực tuyến, còn với 4 - 5 đại diện sàn nhập lệnh hết tốc lực, một CTCK chỉ có thể xử lý được 4.000 - 5.000 lệnh, chưa kể tốc độ chậm và dễ mắc sai sót. Bởi vậy, nhà đầu tư sốt ruột và nổi nóng khi CTCK bị ngắt giao dịch trực tuyến là điều dễ hiểu.

Trở lại với phiên giao dịch chiều 26/8, VNDS không công bố có bao nhiêu lệnh đã khớp do bị lỗi. Song cơ chế khắc phục hậu quả hiện nay hầu như không có lợi cho nhà đầu tư.

Thông thường, nếu lệnh mua khớp, số chứng khoán dôi ra so với lệnh đặt của nhà đầu tư, CTCK có trách nhiệm “ôm” vào và được hạch toán vào tài khoản tự doanh sau đó. Câu hỏi đặt ra là, nếu số lượng chứng khoán khớp do bị lỗi lên tới hàng triệu cổ phiếu, CTCK không đủ tiền để thanh toán, VSD sẽ xử lý ra sao?

Chắc rằng, cơ quan này sẽ yêu cầu hủy lệnh với cả bên mua và bán. Một tình huống có thể xảy ra: Không ít CTCK hiện cho phép nhà đầu tư ứng ngay tiền bán chứng khoán sau khi lệnh khớp. Vậy CTCK sẽ xử lý như thế nào với những nhà đầu tư đã bán chứng khoán thành công và ứng tiền ngay sau đó, nhất là với những giao dịch giá trị lớn.

Còn với trường hợp lệnh bán bị lỗi và đã khớp với lệnh mua đối ứng từ các CTCK khác, VNDS có sẵn chứng khoán để bù vào? Trường hợp không đủ chứng khoán để bù, VSD chắc chắn phải hủy lệnh. Thiệt hại cho nhà đầu tư ở các CTCK khác đã khớp lệnh đối ứng, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo cơ chế hiện hành, việc giải quyết hậu quả do hủy lệnh bị lỗi phụ thuộc chủ yếu vào thái độ của các bên có liên quan và do các bên tự thỏa thuận, tuy nhiên, số tiền bồi thường chỉ tối đa 10% giá trị thiệt hại. Không mua, bán được cổ phiếu hôm nay, nhà đầu tư không dễ dàng thực hiện được lệnh vào ngay ngày hôm sau, hôm sau nữa, rõ ràng họ ở thế “chịu thiệt hại”.

Hạn chế sự cố, cách nào?

Trước VNDS, đã có những CTCK bị lỗi giao dịch và để lại hậu quả lớn, đơn cử như trường hợp của CTCK Golden Bridge liên quan tới hàng trăm lệnh trên thị trường. Việc khắc phục hậu quả không được công bố rộng rãi trên thị trường khiến rất nhiều nhà đầu tư bức xúc.  Sự cố trong giao dịch trực tuyến là bất khả kháng, bởi vậy trong hợp đồng ký với nhà đầu tư khi mở tài khoản giao dịch, nhiều CTCK cũng thòng điều khoản “nhà đầu tư phải chấp nhận khả năng có sự cố xảy ra khi giao dịch trực tuyến”. Vấn đề đặt ra là khắc phục hậu quả thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà đầu tư và tránh để xảy ra những sự cố này trong tương lai. 

Trong email gửi tới ĐTCK, nhiều nhà đầu tư cho rằng, những lỗi như vậy hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai do phần cứng, phần mềm của các CTCK, thậm chí do lỗi vô tình hay cố ý của những người đang vận hành chúng.

Bởi vậy, họ mong muốn cơ quan quản lý xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này, có chế tài thật nghiêm khắc với các CTCK đã và có thể để xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai thay vì chỉ cảnh cáo và đình chỉ giao dịch trực tuyến cho đến khi CTCK xử lý xong sự cố.

Liệu hình phạt nhẹ có khiến các CTCK nghiêm túc hơn trong việc kiểm tra và vận hành hệ thống của mình, giảm thiểu tối đa khả năng để xảy ra những tình huống tương tự trong tương lai có thể làm ảnh hưởng đến thị trường và quyền lợi của các nhà đầu tư?

Anh Việt – Minh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục