Do không hiểu biết về pháp luật nên cha tôi có nhờ người quen gia hạn quyền sử dụng đất. Người này dẫn cha tôi ra phòng công chứng, nói là để ký một số giấy tờ ủy quyền để họ đi làm gia hạn. Vì tin tưởng, cha tôi không đọc hợp đồng mà ký luôn. Sau đó, chúng tôi phát hiện người này đã dùng hợp đồng ủy quyền trên đi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một tổ chức tín dụng. Xin hỏi, cha tôi có thể hủy hợp đồng ủy quyền trên được không?
Phùng Thị Hải Yến (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)
Trả lời:
Điều 562, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Điều 569, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã chấm dứt”.
Theo trình bày của bà thì trường hợp của cha bà là bị lừa dối trong hợp đồng ủy quyền. Về hủy hợp đồng ủy quyền trong trường hợp này, cha bà không thể tự hủy mà phải yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền cùng hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu bằng bản án. Để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, cha bà phải cung cấp chứng cứ mang tính pháp lý chứng minh bị lừa dối trong việc ủy quyền cho Tòa án xem xét. Nếu cha bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh là bị lừa dối thì khó khả năng thắng kiện.