Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có 74 CTCK đang hoạt động, giảm 5 công ty so với cuối năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2017, chỉ tính riêng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ của top 10 CTCK đã chiếm đến khoảng 70% của thị trường. Còn thị trường môi giới trái phiếu thì cũng chỉ có 9 CTCK tham gia.
Nhóm các CTCK còn lại (đa phần quy mô nhỏ) vật lộn để tranh giành miếng bánh thị phần ít ỏi. Để tránh bị giải thể, ngừng hoạt động hoặc phải sáp nhập để tồn tại, những công ty này phải tìm nhiều cách để mong “tồn tại”. Một trong các xu hướng đó là đón dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Trưởng phòng môi giới một CTCK nhỏ tâm sự, môi giới khách hàng cá nhân trong nước thì CTCK nhỏ gần như không có cửa, họ đành tìm cách tập trung phục vụ các tổ chức và một số nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Thông thường, đây là những công ty có sự góp sức của nhà đầu tư ngoại. Với tiềm lực và mối quan hệ từ quốc gia sở tại, các công ty này kỳ vọng hút được dòng vốn quốc tế và dành nhiều nỗ lực để thực thi con đường này.
Trong một chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNCS - trước đây là CTCK Phượng Hoàng) cho biết, Công ty hiện đang đón đoàn khách từ Trung Quốc phục vụ đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Cách đây không lâu, VNCS chia sẻ kế hoạch tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng để tăng khả năng cạnh tranh. Hiện chưa hoàn tất, nhưng VNCS cố gắng duy trì thế mạnh là mối quan hệ với các khách hàng nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
CTCK Hòa Trung Việt Nam (HZS) sau khi thâu tóm CTCK Tầm Nhìn, mới đây đã tuyên bố, trong năm 2018, dưới sự hậu thuẫn của Tập đoàn Hòa Trung, HZS sẽ tăng vốn điều lệ lên khoảng 200 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh.
Chiến lược của HZS là cung cấp dịch vụ môi giới cho tất cả các đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn mua bán và sáp nhập phục vụ cho nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư và khách hàng tại Việt Nam cũng như quốc tế.
Tại một CTCK khác, ông Đỗ Trung Sơn, Tổng giám đốc CTCK Toàn Cầu (VGS) chia sẻ, định hướng lâu dài của VGS là hướng đến thị trường quốc tế. Tuyên bố được đưa ra khi VGS vừa ký kết hợp đồng hợp tác với Dragon Holdings, một công ty dịch vụ tài chính có kinh nghiệm ở thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Bình Dương, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Dragon Holdings cho biết, Dragon holdings chuyên về lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Doanh nghiệp này tư vấn tái cấu trúc cho nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong 5 năm qua, tham gia góp vốn đầu tư tại nhiều doanh nghiệp khác.
Hiện Dragon Holdings đang làm việc với một số quỹ thuộc hệ thống để ủy thác nguồn vốn từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, Công ty dự kiến giao vốn cho VGS để thực hiện việc sinh lợi cho đồng vốn.
Một mảng việc khác các CTCK nhỏ có thể hướng đến là tư vấn niêm yết/đăng ký giao dịch. Theo một số CTCK nhỏ, lượng doanh nghiệp lên sàn tăng chóng mặt. Trong số đó, có không ít doanh nghiệp có quy mô trung bình và nhỏ sẵn sàng tìm kiếm các CTCK với mức chi phí hợp lý. Các CTCK nhỏ tiếp tục tìm kiếm phần nhỏ trong “miếng bánh” này.
Song song với việc tìm các hướng đi riêng, áp lực lớn lên về quy mô của các CTCK rất rõ ràng. Bên cạnh việc tìm cách sáp nhập, nhiều CTCK đưa ra lộ trình tăng vốn "khủng" như CTCK SJC (SJCS) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng (đợt 1 tăng lên 300 tỷ đồng); CTCK Việt (VSC) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 37,5 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 8 lần…
Dù cố gắng tối đa để tồn tại và phát triển, nhưng quy luật thị trường luôn khắc nghiệt, mức độ bị đào thải của các CTCK nhỏ vẫn rất lớn. Bởi ngay cả khi quy mô thị trường chứng khoán có lớn hơn, song cũng khó có đủ chỗ cho 74 tổ chức tài chính trung gian cùng hoạt động.