Logistics Việt Nam: Ngoại lấn át nội

(ĐTCK) Trong khi khoảng 1.000 doanh nghiệp logistics trong nước chỉ tranh nhau 10-18% thị phần, thì hơn 100 doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh chiếm tới hơn 70% thị phần còn lại.
Logistics Việt Nam: Ngoại lấn át nội

Là một nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và ngày càng tăng cao, Việt Nam được đánh giá là thị trường tốt cho các dịch vụ logistics phát triển, tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước phải chịu các loại phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt nam trên thị trường quốc tế.

Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics, chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng 10 - 13% GDP ở các nước phát triển, khoảng 15 - 20% ở các nước đang phát triển.Trong khi đó, chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm tới 25% GDP cả nước. Điều này dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước.  

Tại diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ nhất vừa được tổ chức tại TP. HCM, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, việc giảm chi phí logistics chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế Việc Nam tăng được sức cạnh tranh trong một môi trường hội nhập ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, để đạt được điều này, chúng ta phải xem xét lại toàn diện các vấn đề liên quan đến hệ thống logistics như cơ sở hạ tầng, khung pháp lý, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam…

Logistics Việt Nam: Ngoại lấn át nội ảnh 1

Chiếm số lượng áp đảo, nhưng các doanh nghiệp logistics Việt Nam lại để cho doanh nghiệp ngoại độc diễn ngay trên sân nhà - Ảnh minh họa: Internet

Theo Viện Logistics, Việt Nam hiện có từ 1.000 - 1.200 doanh nghiệp logicstics, trong đó, doanh nghiệp trong nước khoảng 1.000 đơn vị, số còn lại là các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh. Trong số doanh nghiệp logistics trên, có đến 80% doanh nghiệp có vốn đăng ký chỉ từ 1 - 1,5 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước. Ngay cả số doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá từng bộ phận đã hình thành các công ty cổ phần, nhưng vốn cũng chỉ khoảng 5 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ khai thác vận tải và bảo hiểm được từ 10 - 18% hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi đó, các công ty nước ngoài đang chiếm tỷ phần lớn hơn 70% trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics là một khía cạnh không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chỉ có vài trường đại học trên cả nước có chuyên khoa đào tạo logistics, kết hợp với chương trình vận tải.

Theo một khảo sát trong nội bộ hội viên Hiệp hội (năm 2012), tỷ lệ nhân viên qua đào tạo (chủ yếu là tự đào tạo và tự học hỏi kinh nghiệm) là 72%, trang thiết bị phương tiện vận tải, kho bãi chỉ ở mức 30 - 40%, còn lại phải thuê ngoài để phục vụ khách hàng…

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 4/2013, thì lý do chính tại sao các hoạt động logistics tại Việt Nam thiếu hiệu quả hơn so với các nước là do thiếu độ tin cậy xuyên suốt trong chuỗi cung ứng Việt Nam với phần còn lại của thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do các doanh nghiệp logistics thiếu hiệu quả trong kỹ thuật và tổ chức thực hiện các hoạt động logistics. Bao gồm, luật pháp liên quan điều chỉnh logistics thường không dễ hiểu, gây trở ngại, phí “bôi trơn” trong công tác vận chuyển, việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải không đồng bộ thiếu hành lang đa phương thức…

Để tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh logistics, ông Đỗ Xuân Quang cho rằng, ngoài việc phải tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chủ hàng Việt Nam cần chủ động và tận dụng lợi ích của việc thuê ngoài logistics. Trong khi đó, về phía cơ quan chức năng cũng cần hiện đại hóa hệ thống hải quan, thực hiện hải quan một cửa và phát triển mạnh mẽ các hình thức đại lý hải quan. Ngoài ra, cần đảm bảo tính thống nhất minh bạch và nhất quán của các quy định pháp luật điều chỉnh kinh doanh phục vụ logistics…

Còn theo ông Tuấn Anh, hiện nay Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Việt Nam cũng đã đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do khác.

Mục tiêu lớn nhất các hiệp định hướng tới là tự do hóa thương mại xuất khẩu tạo hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp và việc tận dụng hiệp định thương mại tự do trong tình hình hiện nay cũng là cơ hội để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics… Do đó, các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp vận tải biển (kể cả doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng…) phải liên kết, đứng cùng “chiến tuyến” với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhằm cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả.

Đây chính là bước quan trọng để củng cố, gia tăng thị phần vận tải biển và logistics đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khi thực hiện các hiệp định thương mại tự di song phương và đa phương sắp tới, cũng như việc mở cửa thị trường này theo cam kết của WTO.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục