Ngày 3/4, Lộc Trời vừa có công văn gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về biến động số liệu trên Báo cáo tài chính sau kiểm toán so với Báo cáo tài chính tự lập năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng tăng sau kiểm toán 2023
Theo đó, sau kiểm toán Báo cáo tài chính riêng năm 2023, Lộc Trời đã điều chỉnh tăng chi phí bán hàng thêm 11,27 tỷ đồng, đồng thời giảm chi phí quản lý doanh nghiệp 76,96 tỷ đồng. Các chi phí khác cũng điều chỉnh giảm 12 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 tăng thêm 65,54 tỷ đồng lên 247,08 tỷ đồng. Việc điều chỉnh phần lớn liên quan đến việc đánh giá lại và ghi nhận giảm dự phòng phải thu khó đòi của một số khách hàng đã được thu hồi công nợ sau niên độ (73 tỷ), điều chỉnh giảm thù lao Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát (3,6 tỷ) và điều chỉnh nghiệp vụ hạch toán trong niên độ.
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2023 cũng điều chỉnh tăng 80,12 tỷ đồng lên tới 276,09 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản mục chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng thêm 13,5 tỷ đồng lên mức 109,14 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời được điều chỉnh tăng thêm 66 tỷ đồng lên 157,39 tỷ đồng.
|
Giải trình biến động trên BCTC riêng năm 2023 (Nguồn: Lộc Trời) |
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Lộc Trời cũng điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu chính. Cụ thể, công ty điều chỉnh giảm 19,43 tỷ đồng ở các khoản giảm trừ doanh thu và giá vốn hàng bán 15,76 tỷ đồng, chủ yếu do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng trong nội bộ tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC hợp nhất tự lập.
Năm 2023, Lộc Trời điều chỉnh giảm 315,28 tỷ đồng ở Mục lợi nhuận từ các công ty liên kết do việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong BCTC hợp nhất tự lập và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn. Việc điều chỉnh giảm về giá trị hợp lý của Lộc Nhân tại ngày mua đến từ việc đánh giá lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu và hàng tồn kho. Sau một thời gian làm việc với các khách hàng, đối tượng phải thu của Lộc Nhân và hoàn tất quá trình kiểm kê hàng tồn kho, Lộc trời quyết định giảm giá trị hợp lý của các khoản phải thu và hàng tồn kho phù hợp với các hướng dẫn của Chuẩn mực.
Đơn vị kiểm toán yêu cầu Lộc Trời điều chỉnh giảm 76,96 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, xuống còn 641 tỷ đồng trên BCTC hợp nhất năm 2023, tương ứng với sự điều chỉnh chỉ tiêu này ở BCTC riêng.
|
Giải trình biến động trên BCTC hợp nhất năm 2023 (Nguồn: Lộc Trời) |
Với các điều chỉnh này dẫn tới lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Lộc Trời giảm 233,82 tỷ đồng, xuống còn 149,94 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng xuống còn 16,49 tỷ đồng, trong khi Báo cáo tài chính tự lập ghi nhận lợi nhuận 265 tỷ đồng.
“Năm 2023 là năm kinh doanh khởi sắc của Lộc Trời với doanh thu đạt mốc kỷ lục 16.088 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 150 tỷ đồng. Từ năm 2022, Tập đoàn đã tăng sở hữu tại một doanh nghiệp và tái cấu trúc để nhanh chóng mở rộng thị phần, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp hiện thực cam kết mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong các năm tới. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp này khiến phát sinh các chi phí đáng kể, trong khi thu nhập lãi chưa được phản ánh đầy đủ vào kết quả hợp nhất, dẫn tới có sự sụt giảm về lợi nhuận trên Báo cáo tài chính hợp nhất”, Lộc Trời nhấn mạnh trong giải trình biến động trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Nâng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028
Về định hướng hoạt động năm 2024-2025, với nền tảng hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng trưởng cao ở ngành lương thực, vật tư nông nghiệp và lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA), Lộc Trời sẽ nỗ lực và quyết tâm chinh phục mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD.
Lộc Trời sẽ chú trọng cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với việc rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, giúp thanh toán tiền mua lúa gạo của nông dân và thanh toán công nợ. Năm 2024, tập đoàn sẽ tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, tăng doanh số ngành Giống.
Đồng thời, Tập đoàn sẽ cân đối cán cân tài chính vốn để đảm bảo hài hoà cơ cấu vốn, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.
Về hoạt động đầu tư và phát triển, Lộc Trời đang lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An. Dự án này đã có giấy phép đầu tư, mặt bằng sạch. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tập đoàn phấn đấu nâng mục tiêu tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/4, cổ phiếu LTG tăng 100 đồng, lên 25.600 đồng/cổ phiếu.