Tin đồn khiến điều hành của cơ quan quản lý khó khăn hơn
Những tin đồn thất thiệt về hoạt động của doanh nghiệp và người đứng đầu xuất hiện khá thường xuyên trong năm, đặc biệt là mùa ÐHCÐ, ông suy nghĩ gì về vấn nạn này?
Ðối với tin đồn, theo tôi, người được lợi thực ra không có, nhưng người bị ảnh hưởng thì rất nhiều.
Trong đó, bao gồm cả khách hàng và cán bộ nhân viên của tổ chức khiến họ cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Ðặc biệt, sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước cũng khó khăn hơn. Thực tế, như chúng ta đều biết, ngân hàng là một doanh nghiệp đặc thù hoạt động gắn chặt với sự ổn định và an ninh của quốc gia.
Ðây là lĩnh vực “đặc thù” vì trước hết nó liên quan trực tiếp đến tất cả các ngành, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Mặt khác, lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm, đòi hỏi một sự thận trọng trong điều hành hoạt động ngân hàng để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế - xã hội…
Do đó, hoạt động kinh doanh của các NHTM chịu sự chi phối rất lớn bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; phải tuân thủ nghiêm các quy định, văn bản pháp luật trong nước, thậm chí quốc tế.
Ðó là chưa tính đến sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan giám sát từ Trung ương đến địa phương…, nên tôi nghĩ những tin đồn đối với ngân hàng thường là không có căn cứ, không có cơ sở.
Ðối mặt với tin đồn, ngân hàng ông sẽ có hướng xử lý như thế nào?
Chúng tôi sẽ báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an…
Nếu tin đồn có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ của quốc gia, chúng tôi sẽ mời cơ quan chức năng vào làm việc để làm rõ sự minh bạch về thông tin trên thị trường cũng như sự an toàn của hoạt động ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chia sẻ thông tin tới các lãnh đạo cấp cao và cấp trung trong nội bộ để từ đó lan toả tới toàn bộ nhân viên trong ngân hàng nhằm giữ gìn thương hiệu.
Về phía khách hàng, tôi muốn khẳng định, khách hàng luôn được ngân hàng bảo vệ, pháp luật bảo vệ, do vậy, trong nhiều tình huống, chúng tôi không chia sẻ bởi không muốn khách hàng hoang mang, lo lắng về những tin đồn thất thiệt.
Trước vấn nạn này, ông và các lãnh đạo ngân hàng khác có trao đổi với nhau? Các ông mong muốn gì?
Chúng tôi và các lãnh đạo ngân hàng khác vẫn trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó có câu chuyện này.
Chúng tôi cho rằng, tin đồn thất thiệt là vấn đề lớn trong nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã, đang và sẽ tiếp tục cùng chung tay với các tổ chức tín dụng để giúp đưa những thông tin đúng của thị trường tài chính - ngân hàng tới công chúng.
Ðồng thời với đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn, xử lý nghiêm các thông tin có tính chất thất thiệt, xuyên tạc, gây ảnh hưởng lớn cho nền tài chính nước nhà.
Giai đoạn hai của SCB: tập trung cơ cấu quản trị, chiến lược kinh doanh
Ðược biết, Ngân hàng Nhà nước vừa phê duyệt Ðề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông có thể chia sẻ những nét chính trong đề án?
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2019 của SCB, đó là tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị, chuyển đổi thành công một trong những ngân hàng có quy mô lớn, Top 5 trong hệ thống ngân hàng Việt. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu SCB xây dựng Ðề án tái cơ cấu giai đoạn 2019 - 2020 và tầm nhìn đến 2030 nhằm giúp SCB phát triển một cách ổn định, bền vững, trở thành một trong những ngân hàng có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế.
Với tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan đã trình Thủ tướng đề án tổng thể, trong đó, tập trung vào những nội dung như sau: thứ nhất, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, giảm tập trung dư nợ vào lĩnh vực bất động sản; thứ hai, nâng cao năng lực tài chính, hướng SCB theo chuẩn mực Basel 2 trong thời gian sớm nhất; thứ ba, áp dụng các thông lệ tiên tiến, minh bạch trong cơ cấu cổ đông.
Trong điều kiện thuận lợi, cho phép cổ đông nước ngoài nắm giữ trên 50%; cổ đông nước ngoài không nhất thiết là cổ đông chiến lược chiếm trên 20%, ưu tiên các định chế tài chính ở các nền kinh tế phát triển và phải trình Thủ tướng xem xét.
Với mục tiêu đó, SCB đã xây dựng đề án, song song với đó, Ngân hàng cũng đã chủ động xây dựng quá trình chuyển đổi tập trung vào đào tạo con người, chuyển đổi tư duy lãnh đạo và phát triển kinh doanh dựa trên nền tảng lấy khách hàng làm trọng tâm.
Mục tiêu xây dựng SCB là một ngân hàng có chất lượng dịch vụ trong Top 5, tương xứng với quy mô.
Có vẻ như việc xây dựng và phê duyệt Ðề án này đã kéo dài và khá chậm chạp?
Ðề án được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có những chuyển đổi và Chính phủ cũng muốn có phê duyệt tổng thể, tránh tình trạng phải điều chỉnh. Do đó, cần có sự xem xét toàn diện của không chỉ từ Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ, ban, ngành cũng được mời tham gia góp ý vào đề án này nên thời gian phê duyệt có vẻ hơi chậm.
Nhưng, chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần thời gian để lấy ý kiến, phê duyệt mang tính chất chiến lược để SCB có lộ trình thực hiện tốt nhất trong giai đoạn mới.
Với Ðề án được chính thức thông qua, Ban Lãnh đạo SCB kỳ vọng gì trong thời gian tới?
SCB vốn vẫn mong muốn có một khuôn khổ pháp lý đồng hành để hỗ trợ Ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là Ðề án được phê duyệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp và người dân.
Do đó, đây có thể coi là cơ chế để SCB chủ động thực hiện tái cơ cấu dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan thanh tra giám sát.
Mục tiêu của Ðề án không những chỉ giúp SCB tái cơ cấu thành công mà còn là mong muốn của Ngân hàng Nhà nước và toàn thể cán bộ nhân viên Ngân hàng, đó là tạo nên SCB - một định chế tài chính vững mạnh.
Trong Ðề án vừa được phê duyệt, có điều gì ông thấy còn băn khoăn?
Thực tế, chúng tôi khá hài lòng về đề án này, những nội dung quan trọng đều được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trường hợp có những vấn đề liên quan đến điều chỉnh chính sách tài khoá của Nhà nước hoặc room tăng trưởng tín dụng đều được xử lý trên cơ chế mở là xem xét hàng năm, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế cũng như dựa vào khả năng tài chính và năng lực quản trị của SCB.
Thực tế thời gian qua, SCB đã chuyển đổi rất nhiều để hoạt động dịch vụ từng bước chiếm tỷ lệ cao trong hoạt động của Ngân hàng, nhưng trong giai đoạn trước mắt, nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể.
Theo đó, nguồn lực từ tăng trưởng tín dụng sẽ đóng góp vào việc trích lập dự phòng, xử lý các vấn đề trong quá trình tái cơ cấu cũng như giúp SCB tích luỹ năng lực để phấn đấu sau 2022, khi SCB niêm yết trên sàn chứng khoán đã sẵn sàng một vị trí tài chính vững chắc.
Ðề án vừa phê duyệt có thể được coi là SCB bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu lần thứ hai, thưa ông?
Ðúng vậy, như tôi đã đề cập ở trên, giai đoạn đầu liên quan nhiều đến việc cơ cấu tài chính, giai đoạn hai tập trung cơ cấu về quản trị; chiến lược, định hướng kinh doanh. Giai đoạn một giúp xử lý các vấn đề nội tại phát sinh từ quá trình hợp nhất.
Giai đoạn hai là sự chuyển đổi trong mô hình, chiến lược kinh doanh để giúp SCB trở thành định chế tài chính ổn định, ngân hàng là ưu tiên lựa chọn của khách hàng, xứng đáng với quy mô Top 5 tại Việt Nam.
Một điều chắc chắn, SCB phải áp dụng chính sách tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng, và sự kiên định trong việc xử lý tài sản để xử lý các khoản nợ có vấn đề.
Ðiều này cần sự nỗ lực rất nhiều của cán bộ nhân viên SCB cũng như sự giúp sức của các cơ quan ban, ngành giúp cho SCB đạt được mục tiêu đặt ra.
Tôi cho rằng, Ðề án tái cơ cấu của SCB được phê duyệt không chỉ là tin vui đối với SCB mà còn là của cả hệ thống ngân hàng Việt.
Là một mô hình tái cơ cấu tương đối khoa học và phù hợp môi trường Việt Nam, có sự gắn kết giữa các cổ đông với cơ quan quản lý nhà nước để thể hiện quyết tâm cấu trúc lại một tổ chức tài chính vững mạnh, hoạt động ổn định để góp phần vào sự vững mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.