Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho hay, so với Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Nghi Sơn), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Dung Quất) không được hưởng nhiều ưu đãi bằng.
“Đơn cử, với cơ chế phụ thu thuế nhập khẩu xăng dầu, nếu Nghi Sơn được hưởng cơ chế này trong 10 năm, thì Dung Quất mới được hưởng từ năm 2012 đến năm 2018”, ông San nói.
Trước đó, theo đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Chính phủ đã có Quyết định số 952/2012/QĐ-TTg cho phép, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý và vận hành Dung Quất) được giữ lại giá trị ưu đãi tương đương thuế suất thuế nhập khẩu 3% với các sản phẩm hoá dầu, 5% với LPG, 7% với xăng dầu; được cấp bù trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi. Thời gian được áp dụng là đến hết năm 2018.
Nhưng trước đó, từ năm 2009, tại Quyết định 1942/2009/QĐ-TTg, Chính phủ đã cho phép BSR được giữ lại mức ưu đãi 3%, 5% và 7% này. Tuy nhiên, giai đoạn 2009 - 2011, Dung Quất không được cấp bù trong trường hợp thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi. Như vậy, tính chung số năm mà Dung Quất được hưởng cơ chế để lại thuế nhập khẩu cũng không ít hơn 10 năm (2009 - 2018).
Dung Quất bắt đầu vận hành vào tháng 2/2009, vận hành thương mại từ ngày 30/5/2010 và có kết quả kinh doanh rất thăng trầm (xem bảng).
Lý giải cho việc năm 2011 - 2012 Dung Quất bị lỗ lớn, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, thời gian này, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn mức thuế nhập khẩu mà BSR được giữ lại và đơn vị không được cấp bù từ PVN. Việc cấp bù chỉ được bắt đầu từ năm 2013, sau khi có Quyết định 138/2013/QĐ-TTg.
Theo tính toán, nếu được hưởng đủ phần thuế 3%, 5%, 7% với các sản phẩm của mình, năm 2011, BSR sẽ nhận được trên 5.000 tỷ đồng và năm 2012 là gần 3.000 tỷ đồng, tức là sẽ không có lỗ như trên thực tế.
Ở thời điểm hiện tại, sản phẩm xăng dầu của Dung Quất đang được bán cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu cùng công thức tính giá và tương đương với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu như dầu diesel và dầu mazut. Tuy nhiên, các sản phẩm của Dung Quất đang đứng trước nguy cơ không thể cạnh tranh được khi thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo các cam kết hội nhập. Thuế suất thuế nhập khẩu sản phẩm diesel của Dung Quất đang cao hơn thuế nhập khẩu ưu đãi khu vực ASEAN là 5%; tương tự, xăng máy bay Jet-A1 cũng cao hơn 5%. Sang đến năm 2016, mức chênh lệch này thậm chí có thể còn cao hơn khi thuế suất nhập khẩu ưu đãi khu vực ASEAN với diesel và Jet A1 về 0% so với mức hiện là 5%.
Đối với Nghi Sơn, cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động cũng đã được thỏa thuận xong từ rất lâu. Theo đó, Dự án có quy mô vốn đầu tư 9 tỷ USD này cũng được hưởng ưu đãi thuế 3%, 5% và 7% (tương tự Dung Quất) với thời gian 10 năm và được cấp bù trong trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức trên. Ngoài ra, Dự án còn được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong toàn bộ thời hạn 70 năm của dự án, trong đó được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Nghi Sơn cũng được PVN chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm lọc dầu với thời hạn 15 năm kể từ khi vận hành thương mại. Đặc biệt, Dự án còn được hỗ trợ gói ưu đãi hạ tầng cơ sở trị giá 200 triệu USD (đã triển khai) và 20% giá trị đê chắn song với số tiền không quá 10 triệu USD.
Do tới năm 2017 mới đi vào hoạt động, nên thời gian ưu đãi mà Nghi Sơn được hưởng là 10 năm sẽ kéo dài tới tận năm 2027. Trong khi đó, theo đúng lộ trình, hết năm 2018, Dung Quất sẽ không còn được ưu đãi thuế. Vì vậy, nguy cơ phải cạnh tranh với Nghi Sơn có ưu đãi thuế từ năm 2017 đến 2027 khiến Dung Quất mất ăn mất ngủ là điều dễ hiểu.