Quan điểm đa chiều
SIP - cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, từng được nhiều nhóm tư vấn đầu tư yêu thích, liên tục được khuyến nghị bởi hoạt động kinh doanh cốt lõi, sức khoẻ tài chính tốt, sở hữu nhiều lợi thế…, nhưng lại là mã gây nhiều “muộn phiền” trong tuần qua. Dù thị trường chung đi ngang, nhưng SIP ghi nhận 3 phiên giữa tuần giảm sâu, với 2 phiên giảm giá sàn. Phiên cuối tuần, mã này tăng giá, nhưng so với cuối tháng 3/2025 vẫn mất khoảng 30% giá trị.
Nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khác cũng có diễn biến giảm mạnh như KBC, BCM, NTC, SZC…, trái ngược so với các kỳ vọng trước thời điểm Mỹ công bố áp thuế quan cao với hàng hoá Việt Nam - giai đoạn đó, bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể xem xét đầu tư.
“Chứng khoán là nhìn về tương lai, với chính sách thuế quan của Mỹ hiện tại (46% nhưng tạm hoãn 90 ngày), việc nhà đầu tư lo lắng về dòng vốn FDI, hoặc một số doanh nghiệp FDI tạm ngừng giải ngân vào Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở”, một trong nhiều ý kiến giống nhau nêu ra trong cuộc thảo luận về cổ phiếu SIP.
Về nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, các nhà đầu tư có 2 quan điểm rõ nét. Quan điểm thứ nhất là trong nhịp giảm sâu và bất ngờ của tin tức thuế quan gần đây, các nhóm bị ảnh hưởng lớn gồm bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản…, khiến giá cổ phiếu lao dốc. Đây là tin tức bất ngờ và ngoài dự đoán, nhưng nhà đầu tư cần chấp nhận. Ngay khi cổ phiếu hết tình trạng “trắng bên mua”, hành động thích hợp là quyết liệt tái cơ cấu, chứ không nên nắm giữ và chờ đợi trong bối cảnh thiếu cơ sở vững chắc.
Dự báo, dòng tiền đầu tư sẽ tìm đến những ngành, doanh nghiệp vẫn có được triển vọng kinh doanh tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không phải khách hàng tại các khu công nghiệp của Việt Nam chỉ phục vụ thị trường Mỹ, mà còn nhiều thị trường lớn khác. Trong đó, với SIP, chất lượng tài sản, dòng tiền và khách hàng của doanh nghiệp không đến mức tệ khiến cổ phiếu giảm đến một phần ba giá trị vốn hoá chỉ trong thời gian ngắn.
Rõ ràng, trước diễn biến về chính sách áp thuế 46%, xu hướng đầu tư sẽ phân hoá mạnh, khi triển vọng kinh doanh của các ngành có thể thay đổi lớn. Dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng chuyển dịch từ những doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ thuế quan sang những nhóm khác.
Dự báo, dòng tiền đầu tư sẽ tìm đến những ngành, doanh nghiệp vẫn có được triển vọng kinh doanh tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, xây dựng hạ tầng, dược phẩm, tiện ích (điện, nước). Những nhóm ngành này đều có khả năng duy trì được hoạt động kinh doanh tốt nên sẽ thu hút được dòng tiền đầu tư, đặc biệt là sau khi nhiều cổ phiếu đã có được mức chiết khấu cao sau nhịp giảm vừa qua.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ tạm thời hạn chế đầu tư những nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu như đá ốp lát, đồ gỗ, dệt may, thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ (tôm, cá tra), cao su - săm lốp, vận tải, bất động sản khu công nghiệp…. Đây là những nhóm ngành chịu tác động trực tiếp nếu chính sách thuế quan cao được áp dụng.
|
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng giảm giá vì thông tin thuế quan, dù trước đó được kỳ vọng tăng trưởng cao |
Một số cổ phiếu đáng quan tâm
Theo quan điểm của ông Từ Minh Thiện, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà đầu tư nên theo dõi những cổ phiếu tốt, chờ đợi thị trường có mức chiết khấu cao để mua vào.
Chẳng hạn, trong nhóm ngân hàng, ACB cho vay đa dạng các khúc khách hàng và không phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản như TCB, VIB, STB… Trong đó, ngân hàng này cho vay nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có tính đa dạng thị trường hơn doanh nghiệp chỉ phụ thuộc một thị trường nên với triển vọng tăng trưởng tín dụng và đầu tư công, đây là nhà băng có khả năng trưởng trong dài hạn.
Ở ngành thép, HPG là doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thép cán nóng, cơ hội mở ra khi vận hành Nhà máy Thép Dung Quất 2 và thị phần tiêu thụ thép nội địa gia tăng. Hiện tại, nhu cầu thép cán nóng vẫn chưa được đáp ứng đủ, phải nhập khẩu nên việc Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 19,38 - 27,83% đối với một số loại thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc kể từ ngày 8/3/2025 có thể gián tiếp làm tăng giá thép Hoà Phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mở rộng cung cấp thép cho các dự án đầu tư công trong dài hạn là hướng đi thích hợp trong bối cảnh chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thép (một số doanh nghiệp thép có tỷ trọng doanh thu không nhỏ đến từ xuất khẩu là HSG, NKG).
Đối với lĩnh vực dầu khí, thương chiến mở ra cơ hội giảm thuế nhập khẩu LNG từ 5% xuống 0%, sẽ giúp Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 của POW vận hành hiệu quả hơn, qua đó mang lại triển vọng định giá cao hơn cho cổ phiếu trong tương lai.
Trong lĩnh vực sữa, VNM kinh doanh ổn định và cổ phiếu có định giá hấp dẫn. Doanh nghiệp có thể sẽ hưởng lợi từ việc nhập nguồn sữa nguyên liệu giá rẻ để đa dạng hóa so với nguồn nhập trước đây chủ yếu từ New Zeland và Úc.
Ở lĩnh vực văn phòng phẩm, TLG ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ổn định trong các năm qua, có thể duy trì kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian tới. Theo đó, khi giá cổ phiếu giảm mạnh theo thị trường chung là cơ hội mua vào cổ phiếu này.
Chuyên gia Mirae Asset Việt Nam gợi ý thêm, trong giai đoạn thị trường giảm mạnh và tâm lý nhà đầu tư thận trọng, nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ cao, cổ tức tiền mặt hấp dẫn và nền tảng tài chính vững sẽ trở thành bến đỗ an toàn cho dòng tiền đầu tư.
Tỷ suất cổ tức từ 5%/năm trở lên là mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm trung bình. Cổ phiếu của doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả tiền mặt cao, đòn bẩy tài chính thấp có thể giúp nhà đầu tư yên tâm nắm giữ dài hạn. Khả năng tạo dòng tiền đều đặn qua cổ tức sẽ hỗ trợ chiến lược tái đầu tư, góp phần giúp nhà đầu tư tích sản hiệu quả. Nhóm cổ phiếu này thường ít bị bán tháo trong các đợt thị trường giảm sâu, do đặc điểm “phòng thủ” rõ rệt.
Danh mục cổ phiếu tham khảo là NTL, SCS, SLS, QNS, LIX, PAT, CSV, DGC, CST, VEA, DCM, DPM, GAS, VNM, SJD, QTP, SAB, VIP, BMP.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường biến động nhanh và mạnh trong giai đoạn vừa qua phản ánh sự thay đổi đồng thời của nhiều yếu tố vĩ mô và địa chính trị toàn cầu, nổi bật là vấn đề chính sách thuế quan từ Mỹ. Việc áp thuế đối ứng lên các quốc gia ảnh hưởng đến triển vọng và tâm lý đầu tư toàn cầu, nên yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm nhất giai đoạn này là quyết định của Chính phủ Mỹ về mức áp thuế cuối cùng đối với từng quốc gia, đặc biệt theo dõi tình hình đàm phán về thuế của Việt Nam.
Một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán chính là Chính phủ Việt Nam kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và duy trì tốc độ tăng cao trong những năm tiếp theo, dù trong bối cảnh xuất hiện rủi ro gây ra bởi sự bất định của kinh tế thế giới cũng như sự thay đổi trong hệ thống thương mại toàn cầu. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc củng cố các nội lực tăng trưởng trong nước bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ…
|
Ông Nguyễn Thành Trung, Người sáng lập FinSuccess |
Bối cảnh thay đổi nên thay vì 3 chủ đề (theme) đầu tư chính là nhóm dẫn dắt (ngân hàng, chứng khoán), tiện ích thiết yếu và nhóm chu kỳ như trước đây, thì trong giai đoạn đàm phán về thuế quan với Mỹ sẽ chia lại thành 2 chủ đề: một là, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan như nhóm xuất khẩu, khu công nghiệp, cảng biển; hai là, không bị hoặc ít bị ảnh hưởng bởi thuế và có thể hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế như ngân hàng, bán lẻ, đầu tư công.
Nhóm thứ nhất, giá cổ phiếu đã giảm 30 - 40% và dự báo sẽ rất nhạy với thông tin từ các cuộc đàm phán thuế. Trong giai đoạn Mỹ hoãn áp thuế, nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm này. Nếu bản thân có khẩu vị rủi ro thấp thì nên phân bổ nhóm này với tỷ trọng thấp và chọn những doanh nghiệp có tình hình tài sản vững mạnh, thị trường xuất khẩu ít tập trung vào Mỹ, giá cổ phiếu có mức chiết khấu sâu.
Nhóm thứ hai, giá cổ phiếu đã hồi phục tích cực sau giai đoạn “Panic Selling” (bán tháo) theo thị trường chung. Chẳng hạn, nhiều mã ngân hàng chỉ còn giảm 5 - 7%, hay cổ phiếu bán lẻ, cổ phiếu thép (HPG) cũng phục hồi đáng kể. Do đó, nhà đầu tư cần phân tích, đánh giá về mức định giá trước khi giải ngân, tránh trường hợp mua ở mức giá cao, không mang lại hiệu suất tối ưu.
|
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) |
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, có thể nói trật tự nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi mạnh mẽ. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước thềm của một giai đoạn mới khi mà Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ đến từ việc thúc đẩy chính sách đầu tư công cũng như thay đổi chính sách để hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại. Đây cũng là cơ hội của các doanh nghiệp trong nước để phát triển.
Dù vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp đều sẽ hưởng lợi như nhau. Khi mà dòng vốn nhà nước đang đẩy mạnh vào đầu tư công thì các doanh nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư công như doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi trước tiên.
Bên cạnh đó, việc gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản về mặt pháp lý dự án đang giúp thị trường địa ốc “ấm” dần lên.
Ngoài ra, với việc hệ thống KRX sắp đi vào vận hành, điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thu hút nguồn vốn nước ngoài mới, tạo ra nhiều động lực cho thị trường phát triển.
Lưu ý, chiến tranh thương mại vẫn là một rủi ro lớn. Có thể thấy, những kênh trú ẩn như vàng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Do đó, nhà đầu tư nên có một danh mục đa dạng tài sản hợp lý để có thể giảm thiểu rủi ro từ thương chiến. Kênh cổ phiếu vẫn hấp dẫn khi lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhưng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan từ bên ngoài, nên việc duy trì tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu cũng như danh mục cổ phiếu hợp lý là rất quan trọng. Danh mục cổ phiếu phòng thủ nên được xem xét tại thời điểm này là các mã có Beta thấp (ít biến động theo thị trường), tỷ suất cổ tức (dividend yield) cao và ngành hoạt động ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại (tiêu dùng, điện nước).
|
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) |
Tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là tiêu cực trong ngắn hạn, với sự giảm giá cổ phiếu của các công ty liên quan đến xuất khẩu và sự gia tăng biến động trên thị trường. Nhưng nếu Việt Nam có thể linh hoạt điều chỉnh chiến lược cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn nữa thì nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong dài hạn.
Dự báo, thị trường sẽ xuất hiện sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và cả những doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, nhịp giảm mạnh với đà bán tháo vừa qua cũng mở ra cơ hội đầu tư khi nhiều doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi thuế quan và giữ được triển vọng kinh doanh tốt. Thêm vào đó, khi hệ thống KRX được vận hành sẽ cung cấp nhiều tiện ích mới, có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, giúp tăng thanh khoản và mở ra cơ hội nâng hạng thị trường, ghi điểm với nhà đầu tư nước ngoài. Đó sẽ là những động lực thúc đẩy thị trường cũng như dòng vốn ngoại quay trở lại, cải thiện kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước.
|
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) |
Thị trường biến động mạnh nhưng mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn. Việc thị trường phản ứng tiêu cực với thông tin thuế quan của Mỹ khiến nhiều cổ phiếu giảm về mức nền định giá tương đối thấp so với trung bình nhiều năm qua.
Với nền lãi suất thấp được duy trì và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ, đây là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và phân bổ vào các cổ phiếu có triển vọng dài hạn đi kèm mức định giá hấp dẫn. Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ bởi thông tin hệ thống KRX sắp đi vào vận hành và khả năng sớm được nâng hạng, xoa dịu phần nào tâm lý nhà đầu tư vốn đang bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu.
Về phía nội tại, các cải cách hỗ trợ kinh tế như thúc đẩy đầu tư công, cải thiện chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ là lực đỡ quan trọng cho nền kinh tế, mở ra tiềm năm trong các nhóm ngành hưởng lợi như hạ tầng, xây dựng, vật liệu cơ bản.
Tuy nhiên, trong giai đoạn Mỹ chưa chính thức áp dụng mức thuế quan cao, nhà đầu tư nên tái cấu trúc danh mục theo hướng phòng thủ có chọn lọc. Danh mục nên duy trì tỷ trọng tiền mặt hợp lý (tuỳ mức độ chấp nhận rủi ro), ưu tiên giải ngân các cổ phiếu của doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, nợ vay thấp hoặc có khả năng tăng trưởng bền vững, ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, đồng thời hạ tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực như xuất khẩu cho đến khi có thêm thông tin mới.