Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9 đang kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% tại dự án Khu nhà ở Sài Gòn Thới An (quận 12) quy mô 3 ha do Công ty làm chủ đầu tư, được UBND quận 12 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào năm 2018 và được phép thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội nộp bằng tiền do quy mô dự án dưới 10 ha (theo quy định tại Nghị định 100/2015).
Tuy nhiên, khi dự án thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty Sài Gòn 9 phải thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo Nghị định 49/2021, tức là phải dành 20% tổng diện tích đất ở cho nhà ở xã hội vì dự án có quy mô trên 2 ha.
Đây là một điểm vướng lớn, được ông Nguyễn Văn Đồi - Tổng giám đốc Công ty chỉ ra không chỉ với doanh nghiệp mình, mà ở hầu hết các dự án nhà ở thương mại hiện nay.
Thực tế, chính sách điều tiết quỹ đất làm nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn chủ yếu từ 20% diện tích đất ở trong các dự án nhà ở thương mại, nhưng liên tục có sự thay đổi khiến doanh nghiệp không trở tay kịp.
Lãnh đạo Công ty Sài Gòn 9 cho biết, doanh nghiệp này sẽ đóng bằng tiền, thay vì bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, Thành phố sau đó sẽ đầu tư một quỹ đất đủ lớn từ 200-300 ha ở vùng ven như huyện Củ Chi để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Lý do bởi, tại một số tuyến đường trung tâm, nếu căn cứ vào bảng giá đất điều chỉnh vừa ban hành thì giá thành của nhà ở xã hội sẽ rất cao.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, việc đổi đất hay đổi ngang giá trị bằng tiền là vấn đề phức tạp, Thành phố đang nỗ lực xây dựng quy chế rõ ràng để áp dụng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại TP.HCM, kể từ khi các quy định về thực hiện nghĩa vụ xây nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có hiệu lực cho đến nay, chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại của Công ty Nam Long làm nhà ở xã hội trong dự án, còn lại thì chưa làm hoặc hoán đổi bằng cách nộp tiền.
Báo cáo giám sát của HĐND TP.HCM cũng thể hiện, năm 2021, khi Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại, Thành phố xác định có 37 dự án nhà ở thương mại có dành một phần quỹ đất để làm nhà ở xã hội trong dự án.
Đến năm 2023, Thành phố một lần nữa rà soát và nhận thấy, có 58 dự án nộp tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%; 1 dự án thực hiện giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%; 32 dự án thực hiện bố trí quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội.
Qũy đất đô thị ngày càng hạn chế, trong khi các dự án nhà ở thương mại đều muốn điều tiết bằng cách nộp tiền.
Để giải quyết vướng mắc này, Luật Nhà ở 2023 đã giao cho UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo nhu cầu nêu trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, bao gồm quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, vị trí để làm nhà ở xã hội cũng là vấn đề lớn. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Xây dựng, Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) nhìn nhận, nếu nhà ở xã hội được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm sẽ khó khả thi do bất tiện trong di chuyển hàng ngày của người lao động.
Để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, cần đặt mục tiêu chính là đảm bảo cho công nhân và người lao động có nơi ở và sinh hoạt chất lượng, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư và người thuê nhà, đồng thời đơn giản hóa quy trình phê duyệt và rút ngắn thời gian triển khai dự án. Việc quy hoạch đất sạch ở các khu vực có nhu cầu lớn như khu công nghiệp hoặc khu chế xuất cũng rất cần thiết để đảm bảo tiện lợi cho người lao động.