Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, tình trạng "nhà nhảy dù” không chỉ diễn ra ở Đồng Nai, mà ở hầu hết các tỉnh, thành tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, nhưng Đông Nai là địa phương diễn ra tình trạng này nhiều nhất.
Đơn cử như tại Bình Dương, địa phương cũng có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, nhưng tình trạng “nhà nhảy dù” tại đây ít hơn nhiều. Lý giải về nguyên nhân này, nhiều chuyên gia xây dựng, quy hoạch cho biết, Bình Dương có những lợi thế nhất định. Cụ thể, các khu công nghiệp tại Bình Dương được hình thành và phát triển trước, sau đó mới kéo theo sự phát triển của các đô thị. Những cái tên như TP. Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An đều được phát triển sau khi các khu công nghiệp tại đây đã được hình thành. Đặc biệt, Thành phố mới Bình Dương là đô thị mới, được quy hoạch tổng thể và chi tiết ngay từ đầu, nên giải quyết mọi vấn đề về sức ép đô thị dễ dàng hơn. Trong khi đó, TP. Biên Hòa của Đồng Nai là đô thị cổ, được hình thành và phát triển cả trăm năm, do đó, việc quy hoạch sẽ gặp khó khăn hơn.
Thêm vào đó, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và 2 lại nằm ngay sát TP. Biên Hòa, nên sức ép dân số luôn dội lên đô thị vốn rất chật chội này. Trong khi các khu công nghiệp khác của Đồng Nai tại Nhơn Trạch, Trảng Bom hay Long Khánh lại nằm trong các khu dân cư. Việc phát triển nhà ở xã hội tại đây khó cạnh tranh với các lô đất được dân chia lô, xây nhà. Ngoài ra, Bình Dương gần TP. HCM hơn, nên cùng loại dự án nhà ở xã hội, chắc chắn nhà ở xã hội tại Bình Dương sẽ “đắt hàng” hơn.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, thực tế “nhà nhảy dù” đã tồn tại nhiều năm, xuất phát từ nhu cầu về chỗ ở của người dân trong khi tỉnh chưa thể giải quyết bởi nhiều lý do.
Tại Đồng Nai, nhà không phép xảy ra nhiều ở các khu vực gần khu công nghiệp, đã có quy hoạch khu đô thị, hoặc ở gần các trục đường mới mở, kể cả cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP. HCM, hay tại các dự án đã được giải phóng mặt bằng nhưng bị bỏ hoang lâu năm. Không chỉ xây nhà để ở, người dân còn xây dựng phòng trọ cho thuê, xây dựng quán, ki ốt để kinh doanh, hoặc cho thuê lại.
Trả lời về giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, tỉnh đưa ra biện pháp chính là tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chứ không phải dân sai phạm là tháo dỡ. Bởi tháo dỡ rồi, người dân lại dựng lại, giống như chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”. Trong khi đó, đa phần hộ dân sinh sống tại các khu nhà trái phép là công nhân từ xa đến, hoàn cảnh rất khó khăn.
“Có những nơi có đến cả ngàn hộ dân, điện nước cũng được kéo vào đến nơi, đường dân cũng tự làm. Những khu như vậy sẽ kiểm tra hạ tầng, hợp thức hóa để người dân có nơi ở ổn định. Chính quyền phải tạo điều kiện, chứ không thể làm khó dân. Nếu bố trí đủ cho người nhập cư thì tỉnh không thể có ngân sách, ngay một lúc không thể làm kịp, nên biện pháp của tỉnh chủ yếu vẫn là hợp thức hóa cho dân. Về nguyên tắc, Đồng Nai đang thực hiện chương trình xã hội hóa nhà ở để tất cả người dân có điều kiện tham gia”, ông Hoàng cho biết.
Tương tự, ông Hồ Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trung Lộc cũng cho rằng, phần lớn người dân chưa hiểu quy định về các loại công trình phải xin phép xây dựng, nên việc tuyên truyền, giải thích là rất quan trọng.
Về vấn đề sắp xếp chỗ ở ổn định cho công nhân các khu công nghiệp, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang khẩn trương triển khai chương trình nhà ở xã hội, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các nhà đầu tư có đủ năng lực.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, Địa ốc Hoàng Quân, CTCP Thế kỷ 21, hay Cường Thuận IDICO nhiều khả năng sẽ là những cái tên tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội tại Đồng Nai trong thời gian sắp tới.