Loạn chỉ số tài chính

(ĐTCK-online) Mua chứng khoán theo chỉ số tài chính của DN được coi là “kim chỉ nam” cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, những chỉ số này cũng được coi là “con dao hai lưỡi” bởi nó có thể thay đổi theo định kỳ hoặc phụ thuộc theo nhiều cách tính toán khác nhau.

Cổ phiếu VIC của Công ty cổ phần Vincom là một điển hình khi cùng thời điểm, chỉ số EPS được công bố rộng rãi lại khác nhau. Cụ thể, theo Bản tin Thị trường của Bộ Công thương, chỉ số EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của VIC 4.300 đồng, còn theo Bản tin Chứng khoán của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), chỉ số này lại là 9.000 đồng. Chính sự khác nhau này tạo nên tâm lý hoang mang cho nhiều nhà đầu tư. Chị Hương, nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Bảo Việt cho biết, những thông tin không đồng nhất về EPS đã khiến chị lưỡng lự khi quyết định mua VIC. Sự lưỡng lự này làm vuột mất cơ hội kiếm lời khi cổ phiếu này tăng tới 37,6% kể từ khi lên sàn (19/9) đến nay.

VIC là loại cổ phiếu cực nóng ở sàn chứng khoán TP. HCM khi khối lượng giao dịch ngày một lớn và có mức tăng giá gần như liên tục. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, khi xác định đầu tư vào cổ phiến này, họ thường cân nhắc các chỉ số tài chính của DN và với EPS là 9.000 đồng được HOSE công bố, họ đã mua vào rầm rầm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu so sánh sự tin cậy của 2 nguồn thông tin trên thì họ nghiêng về phía HOSE.

Tuy nhiên, chính sự tin tưởng như vậy có thể làm nảy sinh những rủi ro, nhất là khi giá cổ phiếu VIC tăng liên tục. Nếu EPS của VIC đúng với thông tin của tờ Bản tin Thị trường là 4.300 đồng thì những nhà đầu tư mua VIC mắc một sai lầm, vì đặt kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng cũng như mức lợi nhuận quá cao của VIC.

Vậy giá trị của VIC ở đâu? Và chỉ số EPS nào là đúng? Theo ghi nhận của ĐTCK, chỉ số EPS mà HOSE đưa ra dựa trên cơ sở tính toán của 4 quý gần nhất và số lượng thực của cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường (80 triệu cổ phiếu). Còn thông tin về EPS của VIC được đăng tải trên Bản tin Thị trường của Bộ Công thương có thể đã được tính theo số liệu của năm 2006, nên có sự khác biệt lớn so với cách tính của HOSE.

Sự khác biệt về chỉ số EPS của VIC nói trên chỉ là một trường hợp trong số nhiều trường hợp “loạn” chỉ số tài chính của DN niêm yết hiện nay. Bên cạnh thông tin từ 2 cơ quan tổ chức TTCK là HOSE và HASTC, các công ty chứng khoán cũng có những bản thông tin riêng cho khách hàng và một số tờ tin, tờ báo cũng thu thập thông tin để xây dựng chỉ số tài chính cho các cổ phiếu niêm yết. Sự khác biệt, ít nhất là do việc chọn thời điểm tính toán (có nơi chọn 4 quý gần nhất, có nơi chọn năm tài chính gần nhất…) và cách tính số lượng cổ phiếu (có nơi chọn số cổ phiếu niêm yết, có nơi chọn số cổ phiếu đang lưu hành…) đã đem đến những sản phẩm thông tin khác nhau cho thị trường. Khách hàng mà tất cả các bên cùng hướng tới là nhà đầu tư, nhưng ở đây, các “thượng đế” phải biết cách “chọn món” mới có thể có một thực đơn thông tin chuẩn xác để không bị nhiễu loạn theo các luồng thông tin khác nhau đang tồn tại trên thị trường.             

Tuấn Dũng
Tuấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,240.34 -4.36 -0.35% 74,848 tỷ
HNX 236.02 0.35 0.15% 857 tỷ
UPCOM 91.68 -0.05 -0.05% 376 tỷ