Loại bỏ “sạn” cho du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch, là một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, du lịch Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế cần sớm được giải quyết để tăng sức hút hơn nữa.
Du lịch Quảng Ninh dù nằm trong top 3 Việt Nam, nhưng vẫn cần phải tạo nhận diện và đầu tư sản phẩm mới để hút khách.

Thủ tục du lịch tàu biển phức tạp

Quảng Ninh đặt mục tiêu, trong năm 2023, du lịch tàu biển là một trong những mũi nhọn, mang lại dòng khách hạng sang cho tỉnh.

Ngay sáng mùng 1 Tết nguyên đán 2023, tàu Silver Spirit mang quốc tịch Bahamas, xuất phát từ Hồng Kông, đã đưa 500 khách du lịch hạng sang, chủ yếu mang quốc tịch Mỹ và châu Âu đến Quảng Ninh. Ngày 6/3, tàu biển cao cấp Mein Schiff 5 (quốc tịch Malta) đã đưa gần 2.000 du khách châu Âu, chủ yếu quốc tịch Đức cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đánh giá về dòng khách này, bà Vũ Thị Hồng Quyên, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, đây là đối tượng khách sẽ tạo ra sự quảng bá mạnh cho điểm đến, đồng thời giải quyết được vấn đề mùa vụ của du lịch Quảng Ninh, vì mùa du lịch tàu biển thường kéo dài 6 tháng, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, cũng là mùa du lịch thấp điểm của tỉnh.

Đặc điểm của dòng khách này là đi đông, đa quốc tịch, có yêu cầu dịch vụ lớn tại cùng một thời điểm. Giả sử nếu Quảng Ninh đón 3-4 du thuyền lớn cùng lúc thì phải giải phóng được khách nhanh chóng, thủ tục thuận lợi.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: doanh thu du lịch vào năm 2030 đạt khoảng 96.000 tỷ đồng; số việc làm tăng thêm đạt 65.000 người; đón khoảng 25,4 triệu lượt khách, trong đó 16,7 triệu lượt khách trong nước (chiếm 66%) và 8,7 triệu lượt khách quốc tế (chiếm 34%), đạt tốc độ tăng trưởng du khách bình quân 6% trong giai đoạn 2021-2030.

Song, bà Quyên phản ánh, khi công ty đón đoàn khách du lịch tàu biển vào Hạ Long, họ chỉ được vào tham quan 3-4 tiếng, nhưng thời gian làm các thủ tục mất gần 1 tiếng đồng hồ, nên rất không thoải mái.

“Chúng ta đang có quá nhiều thủ tục, như tàu cập mạn đón khách tham quan vịnh thì phải làm lệnh không tải của cảng vụ nội địa. Tiếp đó, cập vào tàu lớn thì lại phải làm lệnh cập mạn của cảng vụ biển quốc tế, rồi phải được sự cho phép của biên phòng. Thuyền đi tham quan thì phải thêm các thủ tục khác”, bà Quyên nói.

Để giải phóng khách được nhanh, theo bà Quyên, cần thông thoáng trong giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, nên có phương án tích hợp việc cấp lệnh, cấp phép, bán vé tham quan vào 1 lần thực hiện thủ tục để tiết giảm thời gian, đồng thời tạo sự thoải mái cho du khách.

Ngoài ra, Quảng Ninh cần phải tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch tàu biển quốc tế; thực hiện chính sách đột phá như miễn visa cho khách du lịch tàu biển đến Hạ Long, có chính sách riêng cho các hãng tàu lưu trú đêm; đầu tư các điểm mua sắm chất lượng; có kế hoạch đào tạo, đảm bảo đủ nguồn nhân lực bị thiếu hụt do chuyển việc sau dịch…

Thiếu nhận diện, thiếu sản phẩm hút khách

Năm 2019, trước khi xảy ra Covid-19, Quảng Ninh đứng trong top 3 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội, đứng thứ 8 toàn quốc về lượng khách nội địa. Về chỉ số cạnh tranh du lịch (được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), Quảng Ninh xếp thứ 2 sau Đà Nẵng.

Dù vậy, Quảng Ninh vẫn chưa xây dựng và định vị được thương hiệu du lịch. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, để du lịch Quảng Ninh có sự bứt phá hơn nữa thì phải trả lời được câu hỏi vì sao phải đến Quảng Ninh.

“Việc đầu tiên cần làm ngay là phải xây dựng được thông điệp, bộ nhận diện thương hiệu, slogan của tỉnh Quảng Ninh để có thể xây dựng phát triển thương hiệu ổn định trong 5 - 10 năm tới. Việc xây dựng thương hiệu du lịch phải gắn với chuyển đổi số. Quảng Ninh cần xây dựng và làm mới Website du lịch, tăng tính hấp dẫn, đặc biệt là với du khách quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý.

Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, bà Quỳnh Phan Phương Hoàng cho rằng, để thực hiện mục tiêu thu hút 15 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế trong năm 2023 thì Quảng Ninh phải có thêm chính sách kích cầu. Theo đó, chú trọng đầu tư sân bay quốc tế Vân Đồn thông qua việc mở thêm nhiều đường bay quốc tế, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch về đêm.

Hiện nay, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Song các sản phẩm chỉ tập trung ở nhóm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, còn các yếu tố văn hóa - nghệ thuật là điểm giữ chân và mang du khách trở lại vẫn chưa được khai thác đúng mức. Để níu chân du khách quốc tế, cần phải có giải pháp đẩy mạnh các chương trình trải nghiệm trên địa bàn.

Ông Lee Kyung Taek, Phó trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam “hiến kế”, hiện tại, khách du lịch Hàn Quốc đến Quảng Ninh chủ yếu là những người trong độ tuổi 40-60 tuổi. Để thu hút du khách trẻ, Quảng Ninh nên có thêm những hoạt động, những sản phẩm du lịch trải nghiệm cho giới trẻ, như ăn tối ngoài trời tại một nhà hàng lãng mạn chẳng hạn, ngắm toàn cảnh Hạ Long trên cao bằng khinh khí cầu.

Đối với thị trường khách truyền thống là Trung Quốc, theo Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), ông Đỗ Nam Trung, du khách Trung Quốc rất thích những khu vực đông vui, náo nhiệt, có biển, thuận tiện mua đồ ăn vặt và hàng hóa. Vì vậy, các tour biển, nghỉ dưỡng thường là ưu tiên hàng đầu của họ. Bên cạnh đó, họ cũng yêu thích những tour tham quan, khám phá di sản, di tích; thích ở khách sạn tại trung tâm để tiện mua sắm.

Thu Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục