Lộ trình tăng vốn của CTCK: Xin lùi đến hết năm 2009

(ĐTCK-online) Chiều ngày 12/8 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã nhóm họp với các công ty chứng khoán (CTCK) thành viên xin được lùi thời hạn tăng vốn pháp định. Sau cuộc họp này, VASB vừa hoàn tất bản nghị quyết để cùng các thành viên kiến nghị lên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ việc cho phép các CTCK thành lập trước ngày 31/12/2006 được lùi thời hạn tăng vốn pháp định đến hết năm 2009, nhằm tạo điều kiện để khối công ty này ổn định và phát triển.
Luật Chứng khoán quy định, mức vốn pháp định nếu hoạt động đủ các nghiệp vụ của CTCK là 300 tỷ đồng. Luật Chứng khoán quy định, mức vốn pháp định nếu hoạt động đủ các nghiệp vụ của CTCK là 300 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết của VASB, các CTCK thành viên đã đưa ra nhiều ý kiến để xin lùi thời hạn tăng vốn. Cụ thể, trước năm 2006, Chính phủ có chủ trương khuyến khích việc thành lập các CTCK, công ty quản lý quỹ. Vì vậy, Nghị định 144/2003/NĐ-CP đã quy định mức vốn pháp định cho một CTCK hoạt động đủ 5 nghiệp vụ chỉ có 43 tỷ đồng -  ở thời kỳ đó là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Sự ra đời các CTCK vào thời điểm thị trường còn nhỏ bé đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho TTCK, phát triển thị trường, tạo niềm tin để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Luật Chứng khoán có hiệu lực năm 2007 quy định, mức vốn pháp định nếu hoạt động đủ các nghiệp vụ của CTCK cao hơn 6 lần so với mức vốn trước đó (300 tỷ đồng). Những công ty đang hoạt động chưa đáp ứng đủ vốn thì phải tăng vốn chậm nhất đến đầu năm 2009. Tuy nhiên, vấn đề này đã gây khó khăn cho nhiều công ty, đặc biệt là những CTCK thành lập vào năm 2006. Ở thời điểm năm 2006, một số công ty ra đời hoạt động ngay, nhưng cũng có nhiều công ty chưa đi vào hoạt động vì còn phải chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực, nâng cấp công nghệ. Khi đi vào hoạt động tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, dẫn đến thị trường giảm sút nghiêm trọng, nên hoạt động của khối CTCK gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, từ cuối năm 2007 đến nay, do ảnh hưởng của biến động kinh tế vĩ mô, lạm phát cao nên TTCK giảm sút, các CTCK đang phải gồng mình chống đỡ với việc giá cổ phiếu xuống quá thấp, nhiều công ty thua lỗ, nhất là những công ty thành lập trước nếu đầu tư nhiều vào phần tự doanh. Trong giai đoạn hiện nay, đại bộ phận công ty đều phải thu hẹp hoạt động, chủ yếu là làm dịch vụ môi giới và tư vấn. Riêng hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành có nhiều rủi ro nên nhiều CTCK không tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh này. Do vậy, nhu cầu vốn cho hoạt động này không đòi hỏi phải quá lớn. Với quy mô vốn hiện tại, các CTCK đều có thể làm tốt vai trò cung cấp dịch vụ của mình.

Trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng, giá cổ phiếu giảm thấp, nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá, nhất là cổ phiếu các CTCK rất kém hấp dẫn, do vậy việc kêu gọi tăng vốn trong điều kiện hiện nay là khó thực hiện, nếu phải thực hiện sẽ đẩy các công ty này vào bờ vực phá sản, dẫn đến hậu quả khó lường cho nền kinh tế và xã hội. Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 55 CTCK phải tăng vốn theo yêu cầu của Luật Chứng khoán thì mới có 16 công ty đáp ứng được yêu cầu này, còn lại 39 công ty chưa thể tăng vốn theo quy định.

Với thực trạng trên, vừa qua Nhà nước cũng có chủ trương không khuyến khích DN phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, Bộ Tài chính cũng đã có sự chấp thuận cho các DN niêm yết được lùi thời hạn tăng vốn. Đây là những lý do chính khiến VASB và các thành viên đưa ra kiến nghị xin được lùi thời hạn tăng vốn cho CTCK đến hết năm 2009. Mặc dù vấn đề này đã được VASB đề cập vài lần, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng. Thời hạn phải tăng vốn theo Luật Chứng khoán đang đến gần (tháng 3/2009). Khối CTCK thuộc diện này đang chờ đợi một hướng mở để tồn tại và tiếp tục chung sức xây dựng TTCK Việt Nam.    

Nguyễn Thanh
Nguyễn Thanh

Tin cùng chuyên mục