Đặc biệt, với việc cam kết dỡ bỏ hầu hết các loại thuế đối với hàng hóa ngay khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Bộ Công thương cho biết, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực,EU sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó, trong vòng sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực,EU sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, với việc dỡ bỏ khá nhanh và mạnh nhiều dòng thuế theo cam kết, EVFTA khi đưa vào thực thi được dự đoán sẽ mang lại tác động rất tích cực cho cả Việt Nam và EU. Trong đó, tác động lớn nhất từ những cam kết mở cửa mạnh mẽ sẽ là một cú hích quan trọng giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà 2 bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.
“Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết từ trước tới nay”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Điều đáng lưu ý về lộ trình giảm thuế đối với hàng dệt may, giày dép, thủy sản, những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, đó là ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ dỡ bỏ đối với hàng của EU xuất sang Việt Nam, còn đối với hàng Việt Nam xuất sang EU, thuế sẽ được dỡ bỏ dần dần sau 7 năm, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ, trưởng phòng Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, EU đưa ra tiêu chí xuất xứ khá nghiêm ngặt đối với vải cho sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang EU.
“Riêng đối với hàng dệt may, sản phẩm của Việt Nam muốn hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu sang thị trường EU phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép, tức là ít nhất vải và việc may mặc phải được làm ở Việt Nam. Tuy nhiên, phía EU cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nếu đối tác đó thuộc FTA của Việt Nam và EU, nguồn nguyên liệu coi như của Việt Nam, chẳng hạn như Hàn Quốc, nhưng không có Trung Quốc”, ông Bouflet nhấn mạnh.
Đây được coi là biện pháp để đảm bảo vải có xuất xứ từ Trung Quốc không thể ồ ạt vào thị trường EU thông qua Hiệp định, do hiện nay, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn nhập khẩu vải từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, qui định này có thể đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho DN Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu vải cho sản xuất hàng may mặc, tuy nhiên, xét về lâu dài, đây sẽ vừa là động lực khuyến khích, vừa là áp lực buộc ngành sản xuất vải trong nước phải phát triển tương ứng để cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may.
Với việc áp dụng quy tắc xuất xứ này, một xu hướng được dự báo là sẽ có nhiều DN trong ngành dệt may và sản xuất nguyên liệu vải tại các quốc gia thuộc khu vực châu Á sẽ đẩy mạnh đầu tư và chuyển một số khâu sản xuất đến Việt Nam để tận dụng cơ hội có được từ Hiệp định.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU cam kết sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng bảy năm. Tuy nhiên, ở nhóm hàng này, EU vẫn áp dụng hạn ngạch đối với một số nhóm hàng, theo đó sẽ dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với các mặt hàng gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng đối với mặt hàng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Ngoài ra, một số mặt hàng phải áp dụng hạn ngạch là thịt lợn, thịt gà và thịt bò, tuy nhiên, riêng với sản phẩm sữa, mức thuế suất sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm, cà phê sẽ được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm.
Đối với toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh, mật ong về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Các loại hàng hóa là máy móc thiết bị nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế quan hoàn toàn sau khi EVFTA có hiệu lực, phần còn lại sẽ được dỡ bỏ trong vòng 5 năm. Cụ thể, đối với một số mặt hàng như xe gắn máy, lộ trình bỏ thuế là 7 năm với dung tích lớn, trên 150cc, với ô tô là 10 năm nhưng với ô tô tải trọng lớn sẽ sớm hơn 1 năm.