Sau khi phục hồi nhẹ cuối tuần trước, phố Wall đã đảo chiều giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới do giới đầu tư lo lắng về căng thẳng địa chính trị tại châu Á khi Triều Tiên phóng thử 4 quả tên lửa, trong đó có 3 quả rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Mỹ, việc ông Trump cáo buộc ông Obama nghe lén điện thoại tại đại bản doanh tranh cử của ông hồi tháng 10 năm ngoái khiến giới đầu tư lo lắng sẽ làm phân tâm chính sách kinh tế của ông Trump.
Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Dow Jones giảm 51,37 điểm (-0,24%), xuống 20.954,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,81 điểm (-0,33%), xuống 2.375,31 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 21,58 điểm (-0,37%), xuống 5.849,17 điểm.
Cùng chung lo lắng, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần mới, thậm chí mức giảm còn mạnh hơn so với phố Wall.
Kết thúc phiên 6/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,14 điểm (-0,33%), xuống 7.350,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 68,96 điểm (-0,57%), xuống 11.958,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 22,94 điểm (-0,46%), xuống 4.972,19 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Hai khi đồng yên ổn định ở mức cao và căng thẳng về địa chính trị khi Triều Tiên phóng thử 4 quả tiên lửa, trong đó có 3 quả rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Tuy nhiên, đà giảm cũng được hãm bớt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghiệp quốc phòng khi giới đầu tư cho rằng, sự căng thẳng này sẽ khiến Tokyo tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Hai, kéo theo chứng khoán Hồng Kông tăng theo. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Hồng Kông bị hạn chế khi giới đầu tư thận trọng với khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.
Chứng khoán Trung Quốc hồi phục khá tốt trong phiên đầu tuần nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ tăng manh sau bài phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội xác định sự đổi mới là một phần quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế
Kết thúc phiên 6/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 90,03 điểm (-0,46%), xuống 19.379,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,56 điểm (+0,19%), lên 23.596,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,68 điểm (+0,46%), lên 3.233,87 điểm.
Dù thị trường nhận nhiều thông tin hỗ trợ cho giá vàng như căng thẳng địa chính trị, nhưng giá kim loại quý này vẫn giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần mới khi đồng USD tăng trở lại với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tuần sau.
Kết thúc phiên 6/3, giá vàng giao ngay giảm 9,2 USD (-0,75%), xuống 1.225,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 9,5 USD (-0,77%), xuống 1.225,5 USD/ounce.
Giá dầu giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo sản lượng đá phiến của Mỹ sẽ tăng 1,4 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2022.
Kết thúc phiên 6/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,13 USD/thùng (-0,24%), xuống 53,20 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,11 USD (+0,20%), lên 56,01 USD/thùng.