Lo nhất là việc níu giữ cách thức quản lý lạc hậu

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP hoàn thành trước ngày 31/5/2018. Tiến độ rất cấp bách, nhưng bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, các bộ, ngành đều chủ động thực hiện, nên sẽ không quá khó để đạt được. Điều bà lo ngại là vẫn còn những níu giữ cách thức quản lý cũ.

Tính tới Nghị quyết 19-2018, đây là năm thứ năm liên tiếp, bà tham gia trực tiếp việc chắp bút và theo dõi thực hiện các nội dung của nghị quyết này. Điều gì khiến bà muốn chia sẻ khi Nghị quyết 19-2018 được ban hành?

Phải thẳng thắn, Nghị quyết 19-2018 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo) đã được ban hành muộn hơn so với kế hoạch.

Các năm trước, Nghị quyết được ban hành vào khoảng tháng 3. Nguyên nhân nằm ở sự quan tâm, tham gia góp ý của rất nhiều bên với nghị quyết này và sự dùng dằng của một số bộ trong việc níu giữ cách thức quản lý lạc hậu.

Đáng nói là, trong thời gian từ phiên bản xin ý kiến các bộ, ngành tới phiên bản xin ý kiến thành viên Chính phủ và tới phiên bản cuối cùng trình phê duyệt (khoảng 2 tháng), đã có những giải pháp được một số bộ nhanh chóng thực hiện.

Lo nhất là việc níu giữ cách thức quản lý lạc hậu ảnh 1

 Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).

Ví dụ, Nghị định 25/2018 sửa đổi Nghị định 60/2014 khắc phục quy định về điều kiện kinh doanh bất cập đối với cơ sở in; Bộ Công thương lùi thời hạn thực hiện Thông tư 21/2017/TT-BCT về QCVN đối với formaldehyte trên sản phẩm dệt may;

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 44/2018/TT-BQP giải quyết bất cập, trùng lắp trong kiểm tra, giám sát hàng hoá...; hay việc các bộ, ngành khẩn trương rà soát điều kiện kinh doanh, với kết quả hơn 50% số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm.

Điều này cho thấy, các bộ, ngành đã thể hiện trách nhiệm và thái độ tích cực hơn, chủ động hơn trong việc giải quyết những bất cập được nêu tại Nghị quyết.

Tương tự ở cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành phố cũng chuẩn bị sẵn các phương án, kế hoạch và theo dõi cập nhật nội dung và tình hình ban hành Nghị quyết để kịp thời thực hiện có kết quả ngay các giải pháp được yêu cầu.

Có thể nói, sức nóng cải cách không chỉ lan tỏa đến các bộ, ngành, mà còn ở các cơ quan địa phương, đến tận cấp phường, xã.

Cuộc đua về nỗ lực, sáng kiến cải cách, thay đổi tư duy quản lý là cuộc đua win-win, không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, mà còn tạo cơ hội thay đổi sang cách thức quản lý hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các bộ, ngành.

Nghị quyết 19-2018 quy định nhiều giải pháp, yêu cầu cụ thể với các bộ, ngành trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu... Tính khả thi của các yêu cầu này thế nào, thưa bà?

Vẫn theo cách tiếp cận của 4 Nghị quyết 19 trước đây, Nghị quyết 19-2018 tiếp tục đặt mục tiêu cao, lượng hoá cụ thể để có thể đo lường, đánh giá hiệu quả thực hiện.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết nêu cụ thể các giải pháp thực hiện chung cho các bộ, ngành, địa phương và các giải pháp riêng đối với từng bộ, ngành.

Danh mục các văn bản cần sửa đổi và định hướng sửa đổi cũng được chi tiết hoá tại Phụ lục của Nghị quyết.

Nghị quyết lần này cũng nêu rõ các giải pháp cụ thể với địa phương. Do vậy, việc thực hiện các yêu cầu cụ thể trong Nghị quyết là hoàn toàn khả thi.

Vấn đề là sự quan tâm, sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương đối với các yêu cầu này.

Để có các phương án, giải pháp cụ thể trong Nghị quyết 19 lần này, có gì khó khăn khi làm việc với các bộ, ngành liên quan?

Khó khăn nhất khi làm việc với các bộ, ngành là giải trình các đề xuất giải pháp cải cách quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Sự níu giữ cách thức quản lý cũ, quản lý thủ công (cơ chế xin - cho, không áp dụng nguyên tắc rủi ro) của một số bộ khiến cơ quan soạn thảo phải giải trình nhiều lần, làm kéo dài thời gian ban hành Nghị quyết. 

Có vẻ như Nghị quyết 19-2018 có sự khác biệt trong quy định về chế tài thực thi, cụ thể là thay thế những người không làm? Trong giai đoạn soạn thảo, nội dung này có gây tranh cãi không?

Qua hai lần lấy ý kiến, các bộ, ngành đều thống nhất với nội dung chế tài này. So với các Nghị quyết 19 trước, chế tài trong Nghị quyết 19-2018 mạnh mẽ hơn, thể hiện cụ thể tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong hoạt động công vụ.

Có điểm khác biệt khá rõ của Nghị quyết 19-2018 là sự xuất hiện của 2 nội dung mới liên quan đến ngành du lịch và lĩnh vực kinh doanh logistics?

Nghị quyết 19 là nghị quyết về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Các nghị quyết trước đây tập trung nhiều hơn vào các chỉ số môi trường kinh doanh.

Năm nay, Nghị quyết 19-2018 mở rộng thêm các yếu tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất, qua đó đóng góp vào tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Du lịch là một ngành Việt Nam có lợi thế so sánh. Phát triển du lịch góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực có giá trị gia tăng và năng suất cao hơn, phát triển bền vững hơn.

Đối với logistics, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Chi phí logistics thấp và các dịch vụ, hạ tầng logistics phát triển là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thương mại quốc tế.

Vì vậy, Nghị quyết 19-2018 mở rộng thêm mục tiêu và giải pháp cho hai lĩnh vực này.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục