Lo ngại suy thoái, giới đầu tư quay ra bán mạnh cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (9/2), sau khi diễn biến trên thị trường trái phiếu một lần nữa làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.
Lo ngại suy thoái, giới đầu tư quay ra bán mạnh cổ phiếu

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall mở cửa tích cực, khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ sau khi đã điều chỉnh theo mùa tăng 13.000, lên mức 196.000 đơn vào tuần trước, trên mức dự báo là 190.000 đơn.

Dữ liệu này tạm thời làm giảm bớt lo ngại về lộ trình tăng lãi suất của Fed sau khi báo cáo việc làm tháng 1 mạnh mẽ làm rung chuyển thị trường vào tuần trước.

Tuy nhiên, lực bán bất ngờ dâng cao sau khi đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm chứng kiến ​​sự đảo ngược sâu nhất kể từ giữa tháng 12.

Robert Schein, Giám đốc đầu tư tại Blanke Schein Wealth Management, cho biết đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại. "Chúng tôi đã thấy sự đảo ngược khoảng 84 điểm cơ bản cho mức chênh lệch giữa hai kỳ hạn 2 năm và 10 năm ngày hôm nay và điều đó không tốt trên cơ sở lịch sử. Đó là đèn đỏ nhấp nháy cho suy thoái, có khả năng sắp xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ với hành động ngày hôm nay, thị trường đang cố gắng tiêu hóa việc Fed có thể phải tiếp tục con đường diều hâu hơn nữa vào năm 2023”.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng sau khi Bộ Tài chính nhận thấy nhu cầu yếu đối với đợt bán trị giá 21 tỷ USD, đây là đợt bán trái phiếu cuối cùng nằm trong đợt đấu giá trái phiếu trị giá 96 tỷ USD của Mỹ trong tuần này.

Cũng gây áp lực lên các chỉ số là cổ phiếu của Alphabet (Google) giảm hơn 4,3%, kéo dài đà sụt giảm từ phiên trước đó, sau khi chatbot mới của chia sẻ thông tin không chính xác, làm dấy lên lo ngại rằng nó đang mất dần vị thế trước đối thủ Microsoft.

Đáng chú ý trong phiên này là cổ phiếu Cardiovascular Systems tăng vọt 48,38% sau khi Abbott Laboratories cho biết họ sẽ mua nhà sản xuất thiết bị y tế này với giá 837,6 triệu USD.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones giảm 249,13 điểm (-0,73%), xuống 33.699,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,36 điểm (-0,88%), xuống 4.081,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 120,94 điểm (-1,02%), xuống 11.789,58 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng phiên thứ ba liên tiếp, khi lạm phát hạ nhiệt ở Đức và một loạt báo cáo thu nhập khả quan đã bù đắp cho những lo ngại về những bình luận diều hâu của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của ngân hàng trung ương.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,64% lên 462,38 điểm.

Ngành công nghiệp là ngành tăng mạnh nhất với mức tăng 1,65% nhờ Siemens nhảy vọt gần 7% sau khi báo cáo thu nhập tốt hơn mong đợi và tăng doanh thu cả năm.

Cổ phiếu AstraZeneca tăng 4,1% sau khi nhà sản xuất thuốc của Anh dự kiến ​​​​tăng trưởng vào năm 2023 và hơn thế nữa.

Cổ phiếu của Sweco AB, một công ty kỹ thuật và xây dựng của Thụy Điển, đã tăng 15,6% dẫn đầu trong chỉ số STOXX 600 sau thu nhập quý IV khả quan. Cổ phiếu Standard Chartered theo ngay sau với mức tăng 11,4%, nhờ báo cáo về việc tiếp tục quan tâm mua lại từ ngân hàng cho vay lớn nhất của UAE là First Abu Dhabi Bank.

Các quan chức Fed hôm thứ Tư đã gợi ý rằng, sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa để hạ nhiệt lạm phát, trong khi các thành viên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) như Luis de Guindos và Klaas Knot cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thắt chặt hơn nữa.

Richard Flax, Giám đốc đầu tư của Moneyfarm, cho biết: “Mặc dù bạn đã thấy các ngân hàng trung ương gửi thông điệp diều hâu hơn một chút, nhưng có vẻ như các nhà đầu tư cổ phiếu đang có thiện cảm hơn với xác suất xảy ra suy thoái thấp hơn vào năm 2023”.

Lợi tức trái phiếu chính phủ khu vực đồng Euro đã giảm vào thứ Năm sau bốn ngày tăng, do dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Đức chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ và tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước, thấp hơn con số dự báo lần lượt là 10% và 1,2%.

Kết thúc phiên 9/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 25,98 điểm (+0,33%), lên 7.911,15 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 111,37 điểm (+0,72%), lên 15.523,42 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 68,53 điểm (+0,96%), lên 7.188,36 điểm.

Giá dầu thô hạ nhiệt, chịu tác động bởi thông tin trận động đất tàn phá một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở hạ tầng dầu khí, trong khi dự trữ xăng, dầu của Mỹ tăng, và các nhà đầu tư lo lắng về việc Fed tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 9/2, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,41 USD/thùng (-0,53%), xuống 78,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,59 USD/thùng (-0,70%), xuống 84,50 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục