Báo cáo của Bộ Công thương tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương ngày 17/1 cho thấy, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi từ sự cải thiện của môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, cũng như từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, thì có nhiều yếu tố khó khăn dự kiến sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu.
“Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo có xu hướng giảm, các chính sách kinh tế thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU thay đổi nhanh chóng, yếu tố căng thẳng thương mại, địa chính trị và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế lớn sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam”, báo cáo của Bộ Công thương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ thực tế nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng với sự tham gia của nhiều nước cung ứng các nguồn hàng hóa trên nhiều lĩnh vực chính như nông sản, thủy hải sản, dệt may…, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng siết chặt, đặc biệt sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu, hàng rào phi thuế quan, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, giá xuất khẩu nông sản năm 2019 khó có khả năng tăng như năm 2017 và tăng ổn định như năm 2018, nên đây không còn là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Ðối với nhiều mặt hàng nông, thủy sản, khả năng tăng sản lượng là thách thức lớn, do hạn chế về diện tích đất nuôi trồng, canh tác cũng như ứng dụng công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng quan ngại, 2019 sẽ là năm khó khăn, sau một năm “được mùa”.
“Chỉ tiêu hiện đã đạt cao rồi, giờ đạt cao hơn là rất khó trong bối cảnh thương mại thế giới bất ổn. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa trở lại bình thường, Brexit còn chưa ngã ngũ... là những yếu tố khó khăn nhìn thấy trước mắt với hoạt động của cả công nghiệp, nông nghiệp năm nay”, ông Cường nhìn nhận.
Trong khi xuất siêu cao khó có thể giữ vững trong năm 2019, còn nhập khẩu dự báo gia tăng, khiến cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.
Theo ông Vượng, năm nay, nhu cầu nhập khẩu dự kiến tăng cao do xuất khẩu dự báo duy trì tăng trưởng ở những ngành hàng mà Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài.
Ngoài ra, dự báo trong năm nay và các năm tiếp theo, với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội. Hoạt động nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 dự kiến tăng 8 - 10% so với năm 2018, đạt khoảng 265 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 268 tỷ USD, tăng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD.
Ở ngành hàng thủy sản, theo đánh giá của bà Tô Thị Trường Lan, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức tăng trưởng xuất khẩu ngành thủy sản ở mức 6% trong năm 2018 là chưa đúng với tiềm năng và nhu cầu thị trường. Do vậy, ngành thủy sản đặt mục tiêu tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11% so với 2018.
“Nếu khắc phục được các điểm yếu của ngành, đồng thời tận dụng được cơi hội từ các hiệp định thương mại tự do, cùng với khả năng EU gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thuỷ sản, mục tiêu 10 tỷ USD hoàn toàn đạt được”, bà Lan nói.
Tuy nhiên, đại diện VASEP nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, rất cần có sự phối hợp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về các thủ tục xuất nhập khẩu, giá tính thuế nhập khẩu nguyên liệu từ các cơ quan nhà nước, cũng như sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ, làm chủ con giống, năng lực nuôi trồng và chế biến trong nội tại các doanh nghiệp trong ngành.
Trước dự báo của Bộ Công thương năm 2019 có thể nhập siêu ở mức 2%, tương đương 3 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không đồng tình và yêu cầu bộ này cần có các giải pháp quyết liệt trong việc giữ vững thị trường xuất khẩu, cân đối cán cân xuất nhập khẩu, không để tình trạng nhập siêu quay trở lại khi năm 2018 xuất siêu đạt mức cao kỷ lục hơn 7,2 tỷ USD.