Lo ngại Mỹ vỡ nợ lan ra toàn cầu

(ĐTCK) Bế tắc tài khóa tại Washington đang tạo nên những làn sóng lo lắng trải khắp từ London đến Bali. Đó là lo ngại Mỹ có thể vỡ nợ thật sự, gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu và cắt đứt đà phục hồi vốn mong manh của nhiều nền kinh tế.
Lo ngại Mỹ vỡ nợ lan ra toàn cầu

5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ khiến suy thoái kinh tế lan rộng ra toàn cầu, giới hoạch định chính sách khắp thế giới đang lo sợ về một thảm họa khác, mà lần này, quốc gia của họ trở thành nạn nhân của không phải bong bóng ở Phố Wall mà là hệ thống chính trị tại Washington, một hệ thống không còn được xem là có thể vận hành hiệu quả, ít nhất là trong con mắt của nhiều người nước ngoài.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, nước Mỹ vẫn còn bận rộn ở nhiều nơi trên thế giới, với nhiều cấp độ, gần nhất là 2 cuộc đột kích của lính đặc nhiệm vào các mục tiêu ở châu Phi cuối tuần qua. Nhưng việc đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ cũng chứng tỏ một lần nữa rằng, các vấn đề ở Washington đang ảnh hưởng ra bên ngoài biên giới nước này. Do vướng bận bởi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, Tổng thống Mỹ Obama đã không thể có mặt tại một hội nghị thượng đỉnh Vành đai Thái Bình Dương diễn ra tại Indonesia hôm thứ Hai, giúp Trung Quốc có cơ hội lớn hơn để thể hiện vai trò của mình tại khu vực.

Một trong các lãnh đạo tham gia hội nghị đó, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, đã có phát biểu tỏ vẻ thông cảm với ông Obama, song cũng có phần chế nhạo. “Chúng tôi thấy những gì đang xảy ra trong nội bộ chính trị nước Mỹ và đây là một tình huống không dễ dàng”, ông Putin nói và bình luận thêm, “Nếu tôi ở vào trường hợp của ông ấy, tôi cũng sẽ không đến đây”.

Tại châu Âu, nỗ lực đạt được một hiệp định thương mại lớn với Mỹ đang gặp khó khăn khi nhiều cơ quan của Chính phủ Mỹ ở Washington chỉ còn hoạt động với bộ khung tối thiểu. Và trong lúc hiệp định nói trên có thể bị trì hoãn thì đó có thể chỉ là điềm báo của một hậu quả kinh tế tồi tệ hơn nhiều hầu như chắc chắn sẽ xảy ra nếu Mỹ không nới rộng giới hạn nợ và lần đầu tiên, các công cụ nợ của chính phủ sẽ mất khả năng thanh toán.

Nhiều người nước ngoài thường phàn nàn rằng, nước Mỹ mạnh đến nỗi Tổng thống Mỹ đôi khi cũng quan trọng như tổng thống của họ, nhưng họ lại không có cơ hội để bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ.

Không có người nước ngoài nào có thể can thiệp vào cuộc đối đầu giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Hạ viện Mỹ John A. Boehner, người vừa cho biết hôm Chủ nhật rằng, các thành viên trong đảng Cộng hòa của ông sẽ không đồng ý nâng trần nợ của Mỹ, trước khi Chính phủ chạm tới vào tuần tới, mà không kèm theo điều kiện nào. Cùng lúc, ông Boehner cũng nói với các đồng nghiệp rằng ông sẽ ngăn chặn việc vỡ nợ. Nhưng liệu trên thực tế ông Boehner có khả năng làm điều đó hay không vẫn còn chưa chắc chắn.

“Cộng đồng quốc tế đang đặt câu hỏi, ‘nước Mỹ có sẵn sàng hành động hay không?’”, Xenia Dormandy, thành viên cao cấp của London’s Chatham House, cựu quan chức trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống  George W. Bush nói.

Alain Frachon, một chủ chuyên mục và là cựu thông tín viên tại Washington của tờ báo Pháp Le Monde, nói rằng, “ Washington ngày càng giống hệ thống chính trị của Ý, với khủng hoảng liên miên, và không còn là một thể chế tổng thống như trước đây”.

“Lo lắng đang hiện diện khắp châu Âu”, ông Frachon nói, và nó đến giữa lúc Hy Lạp và Tây Ban Nha đang có vẻ hồi sinh, giữa lúc có sự bứt phá về tăng trưởng, hứa hẹn chấm dứt suy thoái, đúng lúc Đức bầu cử xong và Ý vượt qua một cuộc khủng hoảng chính trị khác. Một cuộc khủng hoảng tài chính nữa sẽ làm tổn thương cả Pháp, chứ không riêng gì Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

“Mọi người không muốn nhìn thấy tất cả thành quả mong manh này bị tiêu tan bởi một cuộc khủng hoảng tài chính khác khởi phát từ Washington ”, Frachon nói.

Jean-Paul Fitoussi, một nhà kinh tế ở Viện Études Politiques de Paris, bình luận, sự kiện vỡ nợ của Chính phủ Mỹ sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế này và làm mất giá đồng đô la, “bởi vậy, nó sẽ dẫn đến việc làm mất tính cạnh tranh của các hàng hóa châu Âu, ở thời điểm mà tất cả các chính sách nơi đây đều nhằm tăng tính cạnh tranh, và đó sẽ là tin rất xấu”.

Tồi tệ hơn là “hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn sẽ yếu ớt và tệ hơn nữa cùng những hậu quả khôn lường đối với hệ thống tài chính toàn cầu”, Fitoussi cảnh báo.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục