Lo ngại kinh tế Trung Quốc, dầu giảm mạnh, kéo chứng khoán, vàng giảm theo

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc đã khiến giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng, qua đó kéo theo chứng khoán và giá vàng cùng giảm trong phiên đầu tuần.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Theo dữ liệu vừa công bố của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 tăng 0,2% sau khi tăng 0,7% trong tháng 6. Mức tăng trong tháng 5 điều chỉnh theo lạm phát vẫn không đổi là 0,4%.

Theo dữ liệu khác, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất giảm từ 53,5 trong tháng 6 xuống 52,7 trong tháng 7. Mức trên 50 vẫn cho thấy sự tăng trưởng.

Các dữ liệu kinh tế này dường như không mấy tác động đến phố Wall, mà các thông tin chính ảnh hưởng đến chứng khoán Mỹ trong phiên đầu tuần là giá dầu và thông tin từ Trung Quốc.

Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất 6 tháng, kéo cổ phiếu năng lượng giảm mạnh. Trong khi sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc khiến doanh số tiêu thụ của các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường này, như Apple sụt giảm, ảnh hưởng trở lại giá cổ phiếu.

Chính những tác động tiêu cực này đã khiến phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm tiếp theo khi bước vào đầu tuần mới với mức giảm đã được nới rộng hơn phiên cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones giảm 91,66 điểm (-0,52%), xuống 17.598,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,8 điểm (-0,28%), xuống 2.098,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,9 điểm (-0,25%), xuống 5.115,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, bất chấp sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán Hy Lạp trong phiên mở cửa giao dịch trở lại sau 5 tuần đóng cửa với mức giảm 16%, cũng như ảnh hưởng thông tin từ Trung Quốc, chứng khoán khu vực vẫn giữ được sự bình tĩnh nhờ kết quả kinh doanh quý II khả quan của các doanh nghiệp lớn liên tiếp được công bố.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,66 (-0,11%), xuống 6.688,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 134,73 điểm (+1,19%), lên 11.443,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 37,91 điểm (+0,75%), lên 5.120,52 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại rủi ro từ Trung Quốc khiến các thị trường trong khu vực đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần.

Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 giảm xuống mức 47,8 từ mức 49,4 trong tháng 6, mức thấp nhất trong 2 năm.

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh của một số tập đoàn lớn, mức giảm của chỉ số Nikkei 335 được hạn chế đến mức tối thiểu, còn đà giảm của Hang Seng cũng được hãm bớt nhờ HSBC công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý II.  

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 37,13 điểm (-0,18%), xuống 20.548,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 224,86 điểm (-0,91%), xuống 24.411,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 42,82 điểm (-1,11%), xuống 3.622,91 điểm.

Trên thị trường vàng, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 6 năm, đồng USD vẫn mạnh với dự bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ được công bố cuối tuần này sẽ tích cực, mở đường cho Fed tăng lãi suất, đã khiến vàng giảm mạnh trong cuối phiên giao dịch Mỹ.

Kết thúc phiên 3/8, giá vàng giao ngay giảm 9,1 USD (-0,83%), xuống 1.086,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 5,5 USD/ounce (-0,50%), xuống 1.089,4 USD/ounce.

Trong lúc nỗi lo dư cung chưa dứt, thì thông tin nền kinh tế Trung Quốc chậm lại như thêm một đòn đau đối với giá dầu thô. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, do đó một khi sức khỏe của nền kinh tế này có vấn đề, sẽ đe dọa đến khả năng tiêu thụ dầu mỏ. Vừa dư cung, lại vừa hạn chế cầu, nên giá dầu thô đã lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất 6 tháng.

Kết thúc phiên 3/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,95 USD/thùng (-4,32%), xuống 45,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,69 USD (-5,43%), xuống 49,52 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục