Lơ lửng “án” truy thu thuế, cổ phiếu Sabeco mất giá?

(ĐTCK) Hiện chưa có quyết định cuối cùng về việc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có phải nộp hơn 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt hay không. Tuy nhiên, “án” truy thu thuế treo lơ lửng kéo dài có nguy cơ khiến cổ phiếu Sabeco “mất giá” trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Lơ lửng “án” truy thu thuế, cổ phiếu Sabeco mất giá?

Cùng với lộ trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco, gần đây có nhiều thông tin đồn đoán về những đại gia nhòm ngó mua cổ phần của Sabeco, để trở thành cổ đông chiến lược của DN này.

Cổ phần hóa (CPH) cách đây 7 năm, đến nay, Nhà nước vẫn nắm gần 90% vốn tại Sabeco. Bộ Công thương, với tư cách là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN này, mới đây đề xuất thoái vốn nhà nước xuống còn 36% vốn điều lệ.

Bên cạnh các NĐT trong nước như CTCP Tập đoàn Liên Việt, CTCP Tư vấn và Đầu tư Ánh Dương, CTCP Tập đoàn Đức Bình…, gần đây khá nhiều ông lớn trong ngành bia trên thế giới như Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), Tập đoàn Thaibev (Thái Lan)… đánh tiếng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Hiện Heineken nắm giữ khoảng 5% cổ phần của Sabeco. Gần đây nhất, giới đầu tư râm ran về mức giá chào mua cổ phiếu của Sabeco mà Thaibev đề xuất là 80.000 đồng/CP, cao hơn khoảng 60% so với giá giao dịch trên thị trường OTC…

Không riêng gì Sabeco, bất kỳ một DN nào đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông, nhất là cổ đông chiến lược để chào bán cổ phần, thì những thông tin bất lợi kiểu như Sabeco đang đối mặt là bị Kiểm toán Nhà nước đề xuất truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, được nhìn nhận là tác động xấu đến quá trình bán cổ phần.

Trả lời câu hỏi nếu “án” truy thu thuế tiếp tục kéo dài, hoặc cơ quan quản lý chính thức có phán quyết Sabeco phải nộp hơn 408 tỷ đồng tiền thuế, thì có khiến cổ phiếu của Sabeco mất giá khi đàm phán chào bán cho cổ đông chiến lược, Chủ tịch HĐQT Sabeco, ông Phan Đăng Tuất cho biết: “Tôi không rõ, nhưng may là Sabeco chưa niêm yết, chứ nếu lên sàn rồi thì với độ nhạy thông tin rất cao trên TTCK, chắc cổ phiếu Sabeco đã bị NĐT bán tháo, không biết nguy hiểm thế nào”.

Không chỉ tác động trực tiếp làm giảm giá trị DN như phản ánh của Sabeco, giới chuyên gia còn đưa ra một khía cạnh tác động tiêu cực khác khi cơ quan hành chính nhà nước bất ngờ đưa ra những kiến nghị tương tự như đề xuất truy thu thuế Sabeco. Đó là với những DN đã CPH như Sabeco, một khi luật chơi áp dụng cho các DN này không ổn định, thiếu rõ ràng và thường xuyên có nguy cơ bị các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp, thì rất rủi ro cho cổ đông.

“Qua tiếp xúc, nói chuyện, tôi nhận thấy một trong những mối lo lớn nhất của NĐT nước ngoài khi cân nhắc phương án đầu tư mua cổ phần của các DNNN đã CPH, hoặc chuẩn bị CPH là họ rất sợ bị cơ quan quản lý nhà nước can thiệp hành chính…”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói và cho biết thêm, một khi DN bị can thiệp hành chính, thì quyền và lợi ích của cổ đông, NĐT có nguy cơ bị xem nhẹ, khó được bảo vệ. Khi đối mặt với rủi ro này, họ chẳng biết kêu ai.

Với những trường hợp DN đã niêm yết mà nếu phải đối mặt với “cú sốc” tương tự như Sabeco, thì không biết mức độ tiêu cực mà cổ đông phải hứng chịu sẽ phức tạp và khó lường đến mức nào. Theo ông Cung, khi cơ quan quản lý nhà nước can thiệp hành chính không đúng luật vào DN, có thể khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Với độ nhạy thông tin trên TTCK, mức độ giảm giá cổ phiếu của DN có thể lên tới 50 - 70%. Điều này khiến cổ đông thiệt hại rất lớn. Mặt khác, diễn biến tiêu cực này có thể đẩy DN từ chỗ làm ăn hiệu quả rơi vào tình cảnh lụi bại, phá sản. Khi đó ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của cổ đông, DN?

Quá trình CPH, thoái vốn nhà nước đang được đẩy mạnh, nhưng hiện gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm NĐT để hấp thụ tốt lượng hàng hóa rất lớn được bán ra. Nếu những “lỗ hổng” của cơ chế bảo vệ tài sản của cổ đông, NĐT như hiện tại không sớm được khắc phục, thì sẽ khó thu hút NĐT lớn tham gia mua cổ phần của các DN. Giới chuyên gia cho rằng, một nguyên tắc phổ biến trong nền kinh tế thị trường là đứng trước hình huống pháp lý mà có nhiều cách giải thích khác nhau, thì nhà quản lý phải tránh đẩy khó cho người dân, mà hãy chọn cách giải thích và áp dụng luật sao cho có lợi nhất cho DN, NĐT. Tín hiệu này sẽ mang lại niềm tin cho giới đầu tư.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục