Lo lắng…

(ĐTCK-online) Giá xăng tăng tới 30% đang khiến môi trường kinh doanh chung tiếp tục gánh chịu những áp lực thực sự lớn. Đã có dự báo rằng, việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm này sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng. Mặc dù những biến động về giá đã được dự báo trước, song những tác động thực tế tới doanh nghiệp, tới môi trường kinh doanh chung, có vẻ như lớn hơn nhiều.
Giá cả nguyên vật liệu tiếp tục ở xu hướng tăng là gánh nặng không nhỏ trên vai các doanh nghiệp Giá cả nguyên vật liệu tiếp tục ở xu hướng tăng là gánh nặng không nhỏ trên vai các doanh nghiệp

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp dự đoán rằng, hệ luỵ sau việc giá xăng tăng sẽ là những ảnh hưởng không tránh khỏi đối với hàng loạt ngành, nghề kinh doanh. Có thể ngay lập tức nhìn thấy các doanh nghiệp ngành vận tải, dệt may, đánh bắt cá xa bờ… là những đối tượng chịu tác động mạnh mẽ và bất lợi nhất. Sự tăng giá đầu vào đương nhiên sẽ tạo nên áp lực trong xây dựng giá thành cạnh tranh. Thậm chí, sẽ có doanh nghiệp không đủ sức cân đối chi phí hoạt động, buộc phải tạm ngừng kinh doanh.

"Tôi thực sự cảm thấy lo lắng vì nỗ lực tự vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này khó có thể bù đắp được sự tăng giá về xăng dầu. Và trong thời điểm này, cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực và trực tiếp", ông Doanh phân tích.

Mặc dù lâu nay, những hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp luôn được các chuyên gia kinh tế cho là không cần thiết và thường gây ra những phản ứng ngược tới môi trường kinh doanh chung, song vào thời điểm hiện nay, những tác động của giá cả thị trường tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng nặng nề đang khiến nhiều đề xuất hỗ trợ xuất hiện bên cạnh những khuyến nghị về tiếp tục cắt giảm chi phí, lựa chọn lại danh mục đầu tư, thời điểm đầu tư…

Ông Doanh khẳng định rằng, tác động này của giá cả tới hoạt động của doanh nghiệp cần phải được xem xét một cách tỉnh táo và có cơ chế hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng. "Tôi ủng hộ việc điều chỉnh giá và giá cả phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Chúng ta không thể tạo ra một "ốc đảo" êm đềm để tạo cơ hội cho những đối tượng tiêu xài quá đáng. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là phải có sự chuẩn bị, với các quyết định tăng giá một cách có mức độ, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, có thể buộc phải áp dụng các cơ chế tưởng như không còn phù hợp như đăng ký các doanh nghiệp cần hỗ trợ để có sự hỗ trợ trực tiếp. Mục tiêu chính là giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua những khó khăn hiện tại", ông Doanh đề xuất.

Tất nhiên, để đảm bảo được đúng mục tiêu, phần trách nhiệm rất lớn thuộc về chính quyền các cấp cũng như việc phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương. "Nếu như có doanh nghiệp nào trong diện hỗ trợ không tiếp cận được nguồn hỗ trợ thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Ở đây, rất trông đợi vào sự giám sát của các đơn vị, tổ chức để nguồn lực đến được và tiếp sức cho doanh nghiệp", ông Doanh nói.

Có thể thấy, áp lực ngày càng rõ ràng và đè nặng lên hoạt động của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2008. Tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất - kinh doanh cùng với cách làm việc mang tính độc quyền của ngành điện đã đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất vào tình trạng "dở khóc, dở cười". Trong bối cảnh chi phí kinh doanh đang vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp thì những phát sinh đột ngột do mất điện càng khiến mối lo lắng về chi phí tăng cao. Trong câu chuyện của ngành điện, ngoài lời xin lỗi, chưa có một ý kiến nào từ ngành này về khả năng bồi thường tổn thất do cắt điện không báo trước gây ra. Câu chuyện trách nhiệm đã bị ngành điện đặt ra ngoài và chưa thấy có biểu hiện nào của sự thay đổi.

Như vậy, có thể thấy một bức tranh thực sự khó khăn về môi trường kinh doanh của Việt Nam vào thời điểm này. Giá thuê văn phòng vẫn đang đứng ở vị trí hàng đầu khu vực. Nguồn nhân lực được đào tạo ngày càng khan hiếm. Chí phí cho lao động gia tăng do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Giá cả nguyên vật liệu tiếp tục ở xu hướng tăng. Mặc dù các doanh nghiệp thực sự nỗ lực để giữ ổn định giá thành, song khó có thể duy trì được lâu nếu như không có sự tiếp sức đủ mạnh và hợp lý từ Chính phủ.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục