Lo lắng bao trùm giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall trải qua phiên giao dịch thứ Hai (22/2) đầu tuần đầy biến động.
Lo lắng bao trùm giới đầu tư

Khởi đầu tuần mới, lợi suất trái phiếu chính phủ leo thang và triển vọng lạm phát gia tăng làm giảm sức hấp dẫn của các cổ phiếu tăng trưởng, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng cao lên mức 1,363%. Kể từ đầu tháng 2, lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 26 điểm cơ sở, chứng kiến đà tăng hàng tháng lớn nhất trong ba năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm đỉnh 1 năm là 2,2% vào hôm thứ Hai.

Cổ phiếu Apple, Microsoft, Alphabet, Tesla và Amazon.com đều lao dốc trong phiên, giảm từ 0,9% đến 5%.

Tuần này, thị trương tập trung vào phiên điều trần định kỳ nửa năm trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ vào ngày 23/2 của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Giới đầu tư dự kiến tập trung tìm kiếm bất kỳ tín hiệu tiềm năng nào xung quanh việc thay đổi chính sách ôn hoà của Fed để xác định xu hướng thị trường.

Mặt khác, mùa bao cáo kết quả kinh doanh quý IV khả quan đã giúp các chỉ số chính của Phố Wall đạt mức cao kỷ lục vào đầu tuần trước, song đà tăng đã mất dần động lực, một phần do lo ngại về khả năng gặp khó khăn trong chương trình nỗ lực tiêm chủng của Mỹ và lạm phát do các biện pháp kích thích.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Dow Jones tăng 27,37 điểm (+0,09%), lên 31.521,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,21 điểm (-0,77%), xuống 3.876,5 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 341,42 điểm (-2,46%), xuống 13.533,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu quay đầu giảm trước những lo ngại xung quanh vấn đề lạm phát, đồng thời động thái chốt lời diễn ra ở nhóm cổ phiếu công nghệ, dù những tuyên bố từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khiến lợi suất trái phiếu giảm.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của lợi suất trái phiếu danh nghĩa dài hạn và có thể có sự can thiệp của ECB trong tương lai vào thị trường nợ.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,78 điểm (-0,18%), xuống 6.612,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 43,19 điểm (-0,31%), xuống 13.950,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 6,11 điểm (-0,11%), xuống 5.757,44 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi sự lạc quan về phục hồi kinh tế thúc đẩy nhóm cổ phiếu vật liệu, du lịch và các cổ phiếu có chu kỳ có định giá rẻ.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ thắt chặt chính sách từ ngân hàng trung ương.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Bảy (20/2) thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp đối với các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình trong tháng thứ 10 liên tiếp, tuy nhiên nhiều dấu hiệu cho thấy, các nhà chức trách có thể bắt đầu áp dụng lập trường chính sách chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Chứng khoán Hồng Kông giảm do các nhà đầu tư lo lắng về rủi ro thắt chặt chính sách ở Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm trong bối cảnh dữ liệu xuất khẩu mạnh mẽ không thể bù đắp được tâm lý lo ngại về một thị trường lao động hồi phục chậm chạm.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 138,11 điểm (+0,46%), lên 30.156,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 53,72 điểm (-1,45%), xuống 3.642,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 324,90 điểm (-1,06%), xuống 30.319,83 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 27,87 điểm (-0,90%), xuống 3.079,75 điểm.

Giá vàng tăng vọt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai và trở lại mốc 1.800 USD/ounce. Những dự đoán về lạm phát tăng dẫn tới lo ngại về thị trường chứng khoán và khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn là vàng. Trong khi đó sức mạnh của đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ kim loại quý.

Kết thúc phiên 22/2, giá vàng giao ngay tăng 25,90 (+1,45%), lên 1.810,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 2,30 USD (+0,13%) 1.776,30 USD/ounce.

Sau hai phiên lao dốc, giá dầu tăng bật tăng mạnh mẽ trong phiên đầu tuần trong bối cảnh ngành sản xuất dầu của Mỹ trở lại chậm chạp khi băng giá vẫn đang làm gián đoạn mọi hoạt động tại Texas.

Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể phải mất ít nhất 2 tuần để khôi phục hoàn toàn sản xuất bình thường, do các đường ống đóng băng và gián đoạn nguồn cung cấp điện làm chậm sự phục hồi.

Kết thúc phiên 22/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,25 USD (+3,8%), lên 61,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,33 USD (+3,7%), lên 65,24 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục