Con đường đi lòng vòng của loại thuốc Defosfen đã được Sở Y tế Hà Nội làm rõ. Loại thuốc này được Công ty Haphaco nhập từ tháng 5/2006 với giá CIF (giá kê khai ban đầu với Cục Quản lý dược - Bộ Y tế) là 6,5 USD/hộp (tương đương 104.000 đồng/hộp). Sau đó, Haphaco bán cho Công ty Phanxiphăng với giá 123.810 đồng/hộp. Công ty Phanxiphăng bán cho Công ty Dược phẩm Tuệ Phúc với giá 151.543 đồng/hộp. Công ty Dược phẩm Tuệ Phúc lại bán cho Công ty Dược phẩm quận 10 (TP.HCM) với giá 227.375 đồng/hộp. Công ty Việt Nhật (Hà Nội) tiếp tục mua lại loại thuốc này với giá 409.167 đồng/hộp. Sau đó, Công ty Châu Hưng (TP.HCM) mua lại loại thuốc trên với giá lên tới 480.000 đồng/hộp, tăng 300% so với mức giá mà Haphaco bán ra.
Như vậy, việc tăng giá thuốc Defosfen đã làm giàu cho không ít các nhà phân phối trung gian khi luật pháp về quản lý dược phẩm vẫn còn khoảng trống về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện doanh nghiệp ra đời và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên việc mua bán lòng vòng các loại thuốc như trên chỉ có thể chịu sự quản lý của luật thuế. “Mặc dù là mặt hàng nhạy cảm, nhưng do chưa có chế tài xử lý phù hợp, nên giá thuốc đã bị đẩy lên bất hợp lý theo cách khó kiểm soát này”, ông Cường nói.
Thực tế, Bộ Y tế biết rất rõ việc tăng giá thuốc có nguyên nhân từ mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian. Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, tình trạng này vẫn đang tồn tại, nhưng Bộ Y tế không thể dẹp bỏ hay cắt giảm hệ thống phân phối, bởi doanh nghiệp dược phẩm vẫn được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, Luật Dược, Luật Doanh nghiệp…, Nhà nước chỉ có thể hạn chế tình trạng này thông qua việc nâng cấp các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh dược trên cơ sở pháp lý hiện hành.
Bộ Y tế cũng đã đưa ra giải pháp cho ra đời một thông tư liên tịch với các bộ: Tài Chính, Thương mại, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý giá thuốc và đấu thầu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, nhưng cho tới nay, thông tư này vẫn chưa được ban hành. Nguyên nhân là do số lượng mặt hàng thuốc lưu hành quá lớn (13.000 mặt hàng), nên cần thời gian khảo sát giá thành sản xuất, giá CIF, giá trúng thầu… làm cơ sở cho ban hành các quy định về giá phù hợp với thực tế; chưa có đầy đủ thông tin về các thị trường dược phẩm nước ngoài làm cơ sở cho việc kiểm tra, kiểm soát giá thuốc…
Qua thực tế đợt thanh tra giá thuốc vừa qua, ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho rằng, để kiểm soát giá mặt hàng nhạy cảm này, Nhà nước cần sớm ban hành Thông tư quản lý giá thuốc, nhằm đảm bảo giá trần cung ứng thuốc vào cơ sở khám chữa bệnh công lập. Đối với thuốc kinh doanh trên thị trường, cần nghiên cứu xây dựng khung giá bán buôn, giá bán lẻ, tránh hiện tượng mua bán lòng vòng đẩy giá thuốc lên bất hợp lý. Tuy nhiên, trong khi thông tư về quản lý giá thuốc chưa được ban hành, cần tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở kinh doanh thuốc trung gian dựa trên tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để hạn chế tình trạng này.