“Lỗ hổng” nghiệp vụ nhìn từ những vụ trục lợi nhiều tỷ đồng

(ĐTCK) Thời gian gần đây, nhiều vụ án hình sự có liên quan đến các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngân hàng do chính cán bộ ngân hàng thực hiện.
“Lỗ hổng” nghiệp vụ nhìn từ những vụ trục lợi nhiều tỷ đồng

Những vụ việc này cho thấy, nghiệp vụ ngân hàng vẫn còn nhiều “lỗ hổng” và hơn bao giờ hết, các ngân hàng cần chú trọng đến công tác quản trị rủi ro.

 

Hàng loạt nhân viên ngân hàng bị khởi tố

Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án thuê bảo lãnh để chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank). Theo đó, 3 bị cáo (Đặng, Tín, Hiển) bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng pháp nhân Công ty TNHH Dương Hùng để “thuê” 12 tỷ đồng chuyển vào tài khoản để chứng minh năng lực tài chính rồi yêu cầu Maritime Bank Chi nhánh TP. HCM phát hành bảo lãnh đảm bảo bằng biện pháp ký quỹ 100%. Ngay sau khi tiền vừa về tài khoản, 3 bị cáo đã đến Maritime Bank Chi nhánh Cầu Giấy rút 3 tỷ đồng. Khi đến Phòng giao dịch Trung Yên của ngân hàng này định rút tiếp 9 tỷ đồng thì cả 3 bị bắt. 2 bị cáo khác nguyên là cán bộ Maritime Bank bị cáo buộc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

“Lỗ hổng” nghiệp vụ nhìn từ những vụ trục lợi nhiều tỷ đồng   ảnh 1

Công tác quản trị rủi ro tín dụng là đặc biệt quan trọng với tất cả các ngân hàng

Nhìn lại cáo trạng, rõ ràng vụ lừa đảo đã được thực hiện trót lọt do sự thiếu trách nhiệm của 2 cán bộ ngân hàng. Dù thiếu một số giấy tờ, song nhân viên trực tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ vẫn chấp nhận cho mở tài khoản với lý do tạo điều kiện cho khách hàng và khách hàng sẽ bổ sung sau. Cũng vì vậy, trên hệ thống phần mềm quản lý không có mẫu dấu, chữ ký cũng như thông tin về thỏa thuận (mọi giao dịch phải có đồng thời 2 chữ ký) dẫn đến việc Maritime Bank Chi nhánh Cầu Giấy không biết về thỏa thuận này và cho phép phong tỏa tài khoản để phát hành bảo lãnh cho một hợp đồng mua bán khống khi chỉ có một chữ ký của bên đi thuê - bị cáo.

Không chỉ nhân viên Maritime Bank mới vướng vào vòng lao lý, một trưởng phòng khách hàng DN thuộc Eximbank cũng đang bị truy nã vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7 người, với tổng số tiền 72,7 tỷ đồng. Đồng thời, làm giả hồ sơ để lấy tài sản thế chấp của Ngân hàng trả cho người vay, gây thiệt hại 900 triệu đồng rồi bỏ trốn.

Một vụ việc khác, ông Nguyễn Công, Giám đốc Chi nhánh BIDV Phú Yên vừa bị đình chỉ công tác vì những sai phạm nghiêm trọng trong việc cho vay vốn tại BIDV Phú Yên với tổng nợ xấu, khó thu hồi gần 70 tỷ đồng.

 

Tăng cường quản trị rủi ro

Có thể nói, những vụ lừa đảo, thất thoát tài sản liên quan tới các ngân hàng, dù do nhân viên ngân hàng thực hiện hay do thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng đều cho thấy lỗ hổng trong nghiệp vụ của các ngân hàng. Để xảy ra điều này, uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ và trong trường hợp là bị hại, ngân hàng rất khó thu hồi số tiền thất thoát. Nhiều ngân hàng đã phải chấp nhận số nợ xấu không nhỏ liên quan đến các vụ án hình sự. Do vậy, để hạn chế thiệt hại thì việc phòng ngừa rủi ro thông qua quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro đảm bảo, đặc biệt là phải quản lý chặt khâu nhận tài sản đảm bảo đối với các ngân hàng là đặc biệt quan trọng.

Đến nay, một số ngân hàng vẫn sử dụng nhân viên tín dụng cho cả nghiệp vụ thẩm định phương án cho vay và thẩm định khả năng trả nợ. Một chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, các ngân hàng không nên đặt hết niềm tin vào cán bộ tín dụng, mà nên tách riêng 2 nghiệp vụ nói trên và cần có ban định giá tài sản độc lập.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia trên, việc quản lý theo hạn mức phân cấp, phân quyền cần chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, có ngân hàng quản lý chặt chẽ và chỉ cho phép giám đốc chi nhánh quyết định khoản vay từ 500 triệu đồng trở xuống, những khoản vay lớn hơn phải trình hội sở chính. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng cho phép giám đốc chi nhánh quyết khoản vay lên tới vài chục tỷ đồng và khi có rủi ro xảy ra thì thiệt hại rất lớn. Điều này đã từng xảy ra tại một ngân hàng thương mại quốc doanh khi giám đốc một chi nhánh, với hạn mức bảo lãnh được phép 70 tỷ đồng, đã cố tình vi phạm, làm thất thoát tới vài trăm tỷ đồng.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ ngân hàng tăng trưởng nóng, phát triển mạng lưới nhanh chóng, việc tuyển nhân viên ồ ạt song lại không chú trọng đúng mức đến công tác đào tạo nhân viên, khiến cho nhân viên không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn phải là tăng cường công tác quản trị để bịt lỗ hổng dẫn tới sự sai phạm cả từ trong và ngoài ngân hàng.

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục