Lợi nhuận của HSG có thể sẽ tăng đột biến do được hưởng lợi từ việc có sẵn nguyên liệu giá thấp
Công ty cổ phần Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) vừa công bố đã chuyển nhượng hơn 2 triệu cổ phần của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo cho Massan Consumer, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 4,1%. Theo nguồn tin của ĐTCK, thương vụ chuyển nhượng này đem lại cho GMD khoản lợi nhuận khoảng 8 triệu USD trong quý I, vì thủ tục đã hoàn tất và GMD đã nhận được tiền.
Thoái vốn một số khoản đầu tư lâu năm để dành nguồn lực cho dự án cảng biển, trồng cao su là chiến lược của GMD trong năm nay. GMD đã góp thêm vốn vào Công ty cổ phần Cảng Nam Hải - Đình Vũ để tăng tỷ lệ sở hữu ở công ty này trong khi cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco (VIP) quyết định không góp thêm vốn vào cảng, thậm chí còn tính đến thoái vốn khỏi liên doanh để tập trung cho hoạt động chính là vận tải.
Kế hoạch thoái vốn khỏi một số mảng đầu tư có thể là lý do chính khiến giá cổ phiếu VIP tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Năm 2012, VIP chưa thể hạch toán khoản đầu tư vào Cảng Nam Hải - Đình Vũ khoảng 120 tỷ đồng, có nghĩa là khoản lợi nhuận đó sẽ được ghi nhận vào năm nay. Việc GMD có nguồn thu từ chuyển nhượng cổ phần là điều kiện thuận lợi để Công ty bơm tiền cho Cảng Nam Hải - Đình Vũ, liên doanh này sẽ thanh toán chênh lệch từ góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng tài sản trên đất cho VIP.
Yếu tố “đột biến” đẩy giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen chạm mốc 30.000 đồng/CP - một đỉnh cao về giá xét từ năm 2008, là khoản nguyên liệu tồn kho của HSG ở mức giá thấp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào đã tăng cao. Mới đây, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, nhà máy của Hoa Sen không có ngày nghỉ Tết, sản xuất tháng Tết để đáp ứng đơn đặt hàng xuất khẩu. Các công nhân làm việc trong tuần Tết sẽ được hưởng thu nhập tương đương 1 tháng lương.
Với kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu của năm tài chính, nhiều khả năng, trong kỳ ĐHCĐ tới đây, cổ đông sẽ đề nghị ban lãnh đạo HSG lên kế hoạch kinh doanh mà lợi nhuận cao hơn con số 380 tỷ đồng đặt ra ban đầu.
Tình hình ở Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (DTL) cũng khả quan hơn rất nhiều so với năm ngoái. “Yếu tố đột biến” đầu năm nay, theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc DTL là thị trường xuất khẩu rất tốt. DTL đã ký đơn hàng 4.000 tấn cho đến tháng 3. Việc ký được đơn hàng xuất khẩu, mở L/C và ứng trước tiền từ đối tác đã giúp DTL được ngân hàng giải ngân vốn vay thuận lợi. Trong khi đó, thị trường thép nội địa còn khó khăn do nhu cầu đầu cơ tích trữ không còn và thị trường bị cạnh tranh bởi thép Trung Quốc nhập khẩu lách thuế.
Liên quan đến cổ phiếu ngành thép, trong bản tin mới đây, Công ty Chứng khoán HSC cập nhật rằng, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG) đã ghi nhận khoản dự phòng 264 tỷ đồng đối với giao dịch mua 20 triệu cổ phiếu của Công ty con Thép Hòa Phát từ Công ty đầu tư ACB Hà Nội. Theo đánh giá của HSC, thì “đây là tin tích cực vì lợi nhuận thuần của HPG trên thực tế có tăng trưởng trong năm 2012 và rủi ro xung quanh tranh chấp này đã khép lại. Thậm chí, nếu tranh chấp được giải quyết theo chiều hướng thuận lợi thì khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập hoặc hoàn nhập một phần trong thời gian tới”. Đây cũng là một yếu tố có thể tạo ra sự đột biến về lợi nhuận của HPG trong tương lai.