Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc SCB tại Việt Nam cho biết, cần vài tháng để chuyển hoạt động từ một chi nhánh của SCB sang ngân hàng con. Khi hoàn thành được việc đó SCB sẽ khai trương chính thức ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và chúng tôi cố gắng khai trương ngân hàng trong thời gian nhanh nhất".
Cũng theo ông Ashok Sud, mục tiêu của ngân hàng con thuộc Tập đoàn SCB trong năm đầu hoạt động là về doanh số khách hàng. Ngân hàng con của SCB quan tâm đặc biệt đến đối tượng khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ (SMEs). Vì theo SCB, khách hàng SMEs rất quan trọng cho bất kỳ một nền kinh tế nào, kể cả những nền kinh tế phát triển như Mỹ. Hiện SCB đã xây dựng một số sản phẩm cho đối tượng khách hàng này, với mục tiêu sớm chiếm lĩnh được thị phần.
Tuy nhiên, ông Ashok Sud cũng cho biết, sẽ không có nhiều khác biệt trong việc xây dựng sản phẩm cho ngân hàng con so với các dịch vụ mà SCB đã triển khai ở Việt Nam. SCB sẽ chú trọng vào dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Ông Ashok Sud cho rằng, đây là sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu của đa số người dùng Việt Nam trong tương lai gần. SCB nhận ra được sự cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường và sẽ đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất phục vụ người dân Việt Nam. Chiến lược của SCB là sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD vào ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam, kiêm Giám đốc ngân hàng con 100% vốn nước ngoài HSBC Việt Nam, ông Thomas Tobin cho biết, hiện các công tác chuẩn bị của Tập đoàn đang tiến triển tốt. Theo ông Tobin, HSBC đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong khâu chuẩn bị cho sự ra đời của ngân hàng con 100% vốn ngoại trực thuộc Tập đoàn. Cũng như SCB, HSBC tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan trên để chuyển đổi mô hình kinh doanh từ cơ cấu hoạt động của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài sang ngân hàng con và sẽ khai trương trong vài tháng tới.
HSBC Việt Nam vừa tung ra gói sản phẩm Business Vantage cho các SMEs. Đây cũng là những chuẩn bị khởi đầu về dịch vụ đón đầu sự ra đời của NH con. Ông Tobin cho rằng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của các SME, bởi ở các thị trường HSBC hoạt động, SMEs chiếm 97% số lượng các DN và đóng góp phần lớn GDP của toàn thế giới.
Tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam, khối DN này chiếm số lượng còn đông đảo hơn và là thành phần quan trọng của nền kinh tế. Để khai thác được tiềm năng phân khúc khách hàng này, HSBC sẽ còn tung ra nhiều sản phẩm trong thời gian tới. Trước mắt, gói dịch vụ BusinessVantage cung cấp hàng loạt tiện ích cho các SMEs như: thẻ ATM dành cho DN và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại… Khách hàng mục tiêu của HSBC là các DN có doanh thu dưới 10 triệu USD/năm.
Hoạt động tại Việt Nam, ông Ashok Sud cho rằng, để có thể phát triển tốt cần có tầm nhìn dài hạn. Đây chính là một thị trường tốt để triển khai công việc kinh doanh ở nay hiện tại và tương lai. Tuy trước mắt sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng hiện không chỉ có Việt Nam phải đối mặt với khó khăn, mà cả những nền kinh tế khác trên thế giới cũng có những thách thức, thậm chí còn lớn hơn. Do đó, SCB vẫn đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường tài chính Việt Nam.