Lo chiến tranh, cổ phiếu Nga lao dốc sầm sập

(ĐTCK) Lo ngại chiến tranh ở Ukraine đã lấy mất 10% giá trị của TTCK Moscow, kéo đồng rouble xuống mức thấp nhất trong lịch sử và đẩy giá nhiều hàng hóa lên cao khi phương Tây đồng loạt phản đối việc tập kết quân đội của Nga ở Crimea.
Lo chiến tranh, cổ phiếu Nga lao dốc sầm sập

Các nhà đầu tư đã bỏ chạy khỏi các tài sản Nga, với chứng khoán giảm 10,8%, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Viễn cảnh về một hiểm họa xung đột đã đánh mạnh lên TTCK toàn cầu và kích giá tăng vọt đối với các hàng hóa phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga và Ukraine, như lúa mỳ, dầu lửa và khí đốt.

Ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga ở Liên hợp quốc (UN), giải thích tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng, Tổng thống bị trục xuất của Ukraine, ông Viktor Yanukovich, đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi quân đến Ukraine. Ông Churkin dẫn lại lời ông Yanukovich nói rằng, Ukraine đã “ở bên bờ một cuộc nội chiến”, đồng thời khẳng định, quyền con người, đặc biệt ở Crimea, đang bị đe dọa bởi “các hành động khủng bố và bạo lực lan rộng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hôm thứ Hai, Mỹ sẽ tiến hành một loạt các bước đi ngoại giao và kinh tế để “cô lập Nga” nếu nước này không rút quân khỏi Crimea. Ông Obama cảnh báo, sự can dự quân sự vào Ukraine sẽ dẫn đến “hậu quả đắt giá cho Nga” về lâu dài. Tuy nhiên, ông Obama cũng để ngỏ cơ hội cho ông Putin tháo ngòi nổ khủng hoảng bằng cách chấp nhận sự có mặt của các quan sát viên quốc tế, nhằm đảm bảo an toàn cho người Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ đã hủy bỏ cuộc đối thoại với Nga vào tối thứ Hai. Cơ quan có trách nhiệm phát triển và thương lượng chính sách thương mại của Mỹ nói rằng: “Do những sự kiện gần đây ở Ukraine, chúng tôi đã hoãn lại các cuộc thương lượng về thương mại song phương và cam kết đầu tư với Chính phủ Nga”.

Trong một động thái khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, cơ quan này đã cử một phái đoàn tới Kiev (thủ đô của Ukraine) để đàm phán với các quan chức Chính phủ Ukraine về gói cứu trợ trị giá nhiều tỷ USD.

Đồng rouble, một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới thời gian gần đây, đã giảm gần 3% xuống mức thấp kỷ lục 36,9 RBS/USD trước khi ngân hàng trung ương nước này gây ngạc nhiên cho thị trường bằng việc tăng lãi suất.

Nhằm hạn chế dòng tiền chảy ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã tuyên bố sẽ nâng lãi suất và bỏ ra ít nhất 7 tỷ bảng để hỗ trợ đồng rouble. Giới phân tích và đầu tư nhận định, tâm lý tiêu cực đối với Nga sẽ còn lâu mới kết thúc. “Chắc chắn rằng, niềm tin của nhà đầu tư ở Nga đã bị giáng một đòn nặng nề”, Steven Dashevsky, người sáng lập quỹ đầu tư hội tụ Nga, Dashevsky & Partners, nói.

“Tình hình rõ ràng đang hỗn loạn”, chuyên gia ngân hàng cao cấp tại một ngân hàng quốc doanh của Nga cho biết thêm. “Tất cả cộng đồng quốc tế đều đang bán ra. Họ cứ bán trước đã, rồi mới hỏi chuyện gì đang xảy ra”.

Việc đồng rouble mất gần 12% từ đầu năm đến nay làm dấy lên lo ngại lạm phát ở Nga, nơi người dân vẫn còn ký ức buồn về hai đợt phá giá năm 1997 - 1998 và 2008 - 2009. Các nhà kinh tế cho rằng, sự kết hợp giữa lạm phát cao, lãi suất tăng và hoạt động rút vốn có thể đẩy nền kinh tế vốn đang chệch choạng của Nga vào vòng suy thoái.

“Tôi nghĩ đây là một cú sốc về sự an toàn và sẽ đẩy nước Nga vào một cuộc suy thoái nhẹ”, Jacob Nell, Kinh tế trưởng tại Nga của Morgan Stanley nói.

Ảnh hưởng từ Nga đã lan rộng ra các TTCK toàn cầu, với cổ phiếu giảm giá hàng loạt và nhu cầu đối với các tài sản an toàn hơn, như trái phiếu, tăng vọt.

Chỉ số FTSE toàn cầu đã giảm 1,4% - sau khi tăng tuần trước - và chỉ số S&P 500 đóng cửa sàn New York giảm 0,74%. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ, biến động ngược với giá, đã giảm xuống còn 2,65%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013. Trên các thị trường hàng hóa, giá lúa mỳ tăng 4,7%, dầu thô tăng 2,1% và khí đốt giao sau tại Anh tăng gần 10%.

“Các thị trường đang phải đưa vào giá các tình huống thảm họa chưa chắc chắn nhưng tiềm ẩn”, Erik Nielsen, kinh tế trưởng của UniCredit nói. “Thách thức thực sự nguy hiểm là lĩnh vực cung cấp năng lượng - mặc dù, ít nhất là kể từ cuộc khủng hoảng Cuba, Nga không có lịch sử dùng năng lượng như một vũ khí ngoại giao”.

Phí bảo hiểm cho các khoản nợ của Nga và của Ukraine trước rủi ro vỡ nợ đã tăng 15% hôm thứ Hai. Rủi ro vỡ tín dụng đã đẩy lãi suất ở cả hai nước này tăng 25% so với một tuần trước đó, theo dữ liệu từ Markit.

“Ukraine hầu như không có khả năng giải quyết vấn đề nếu không đề nghị các tổ chức tín dụng tư nhân vào cuộc”, ông Dashevsky nói.

Theo các chuyên gia ngân hàng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang đẩy kế hoạch phát hành cổ phiếu trên thị trường London của Detsky Mir và Metro đến chỗ đổ bể. Trong khi đó, Lenta, chuỗi siêu thị của Nga, vừa niêm yết cuối tuần trước, đã “mất toi” 15% giá trị chỉ sau hai ngày giao dịch trên sàn London.

Quang Huy
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục