LILAMA thắng kiện hơn 4 triệu USD ở nước ngoài

Đây là trường hợp hiếm hoi khi một doanh nghiệp nhà nước thành công trong việc yêu cầu một ngân hàng nước ngoài thanh toán khoản tiền bảo lãnh với giá trị lớn như vậy.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1.
Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA mới thắng kiện Tập đoàn Power Machinery (Liên bang Nga), buộc tập đoàn này và bên liên quan là Ngân hàng Ngoại thương Nga phải thanh toán 4,2 triệu USD. Đây là trường hợp hiếm hoi khi một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thành công trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng tại nước ngoài để yêu cầu một ngân hàng nước ngoài thanh toán khoản tiền bảo lãnh với giá trị lớn như vậy.

 

Năm 2003, LILAMA được giao Tổng thầu EPC gói thầu thiết bị công nghệ chính Dự án nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Giá trị hợp đồng EPC gần 300 triệu USD (quy đổi). Để thực hiện hợp đồng này, LILAMA thuê lại một số nhà thầu phụ trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn Power Machinery.

 

Theo hợp đồng, Power Machinery có trách nhiệm: Thiết kế, chế tạo, thí nghiệm tại xưởng, đóng gói vận chuyển bảo hiểm hàng hóa, các thủ tục hải quan, bàn giao hàng hóa, thiết bị đến chân công trình, hướng dẫn và giám sát lắp đặt, hiệu chỉnh chạy thử nghiệm, thí nghiệm các thông số kỹ thuật và bảo hành công trình 2 năm kể từ ngày ban giao – tổ máy 300 MW, Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1. Giá trị hợp đồng 82 triệu USD.

 

Hợp đồng được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam và tuân thủ các điều kiện chung theo FIDIC (mẫu về hợp đồng quốc tế trong xây dựng).

 

Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, phù hợp với Luật Xây dựng Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, theo yêu cầu của Power Machinery và chấp thuận của LILAMA, Ngân hàng Ngoại thương Nga phát hành Thư bảo lãnh số 1808/2220-e giá trị 10% hợp đồng, bằng 8,2 triệu USD.

 

Sau một thời gian thực hiện, các bên thỏa thuận sửa đổi Thư bảo lãnh, giảm giá trị tương ứng với giá trị còn lại của hợp đồng, bằng 4,2 triệu USD, bảo lãnh có hiệu lực đến 31/12/2011.

 

Thư bảo lãnh không hủy ngang và tuân thủ các điều kiện chung của Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu (URDG 458 ICC) của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC). Thư bảo lãnh nhằm đảm bảo cho hợp đồng giữa LILAMA và Power Machinery được thực hiện đến khi kết thúc, trong mọi trường hợp Power Machinery không thực hiện hợp đồng, Ngân hàng sẽ phải thanh toán cho LILAMA số tiền bảo lãnh nêu trên.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, LILAMA và Power Machinery có tranh chấp về khối lượng công việc phát sinh. Power Machinery đề nghị LILAMA thanh toán một số tiền phát sinh và hỗ trợ khác. LILAMA không chấp nhận, tháng 10/2010 Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng và khởi kiện LILAMA ra TAND TP.Hà Nội, đề nghị Tòa buộc LILAMA thanh toán tiền và công nhận chấm dứt hợp đồng giữa LILAMA và Power Machinery.

 

Đối với LILAMA, vụ việc này có hai thách thức pháp lý xảy ra. Thứ nhất là thách thức pháp lý tại TAND TP.Hà Nội trước yêu cầu của Power Machinery đòi LILAMA thanh toán tiền. Thách thức pháp lý thứ hai là LILAMA phải yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán 4,2 triệu USD tiền bảo lãnh do bên được bảo lãnh - Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng.

 

Việc yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán 4,2 triệu USD là một thách thức pháp lý của LILAMA. Bởi ngay sau khi Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng, LILAMA đã gửi hồ sơ yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán bảo lãnh, căn cứ là Thư bảo lãnh không hủy ngang và tuân thủ các điều kiện chung của Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu (URDG 458 ICC).

 

Điều 2 khoản ii, b URDG 458 quy định: Bảo lãnh về bản chất là những giao dịch riêng biệt với (các) hợp đồng hoặc điều kiện dự thầu mà những điều kiện này có thể là cơ sở của bảo lãnh và Người bảo lãnh về mọi phương diện không liên quan đến hoặc bị ràng buộc vào (các) hợp đồng như thế hoặc các điều kiện dự thầu, dù cho trong bảo lãnh có tham chiếu đến chúng.

 

Trách nhiệm của Người bảo lãnh là thanh toán những số tiền hay số tiền đã được quy định trong bảo lãnh khi xuất trình văn bản yêu cầu thanh toán và những chứng từ khác thể hiện trên bề mặt của chúng là hoàn toàn phù hợp với những điều kiện của bảo lãnh.

 

Tuy nhiên, trong thời gian chờ Ngân hàng thanh toán thì Power Machinery đề nghị TAND TP. Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam và đã được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội chấp nhận. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Nhân dânTP.Hà Nội có nội dung cấm LILAMA yêu cầu thanh toán, đồng thời cấm Ngân hàng Ngoại thương Nga thanh toán bảo lãnh cho LILAMA. Vì vậy việc yêu cầu thanh toán của LILAMA không thành.

 

Vấn đề đặt ra là nếu Tòa án Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Power Machinery thì không những LILAMA phải trả tiền mà còn có nguy cơ mất quyền yêu cầu thanh toán bảo lãnh 4,2 triệu USD, vì nếu Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện đồng nghĩa với việc Power Machinery đơn phương chấp dứt hợp đồng là đúng và bảo lãnh không còn đủ điều kiện thanh toán, khi đó Ngân hàng Ngoại thương Nga không có trách nhiệm thanh toán cho LILAMA.

 

Sau nhiều phiên hòa giải không thành, Tòa án Hà Nội quyết định đưa ra xét xử. Phiên tòa sơ thẩm ngày 28/9/2011 bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Power Machinery. LILAMA không phải trả cho Power Machinery bất kỳ đồng nào.

 


PLVN

Tin cùng chuyên mục