Liệu VN-Index có tiếp tục điều chỉnh?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc nhiều công ty chứng khoán hết room cho vay margin là một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index không thể vượt đỉnh lịch sử thành công trong giai đoạn trước mắt.
Liệu VN-Index có tiếp tục điều chỉnh?

Sáng hôm nay (24/3), ngay khi thị trường mở cửa, đồ thị kỹ thuật của VN-Index đã tạo gap down và giao dịch dưới đường trung bình MA20 trong cả phiên. Kết thúc phiên sáng chỉ số này chạm mức 1.155,23 điểm, mất xấp xỉ 30 điểm, chạm đường MA50 là ngưỡng hỗ trợ quan trọng của chỉ số này.

Điều gì đã đẩy chỉ số chính VN-Index giảm sâu đến như vậy?

Đầu tiên phải kể đến là việc các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường thế giới và khu vực như DJ, Nikkei, Sanghai, Hang Seng đều đồng loạt giảm điểm do lo ngại về tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến xấu tại châu Âu và lãi suất trái phiếu Mỹ có chiều hướng gia tăng.

Trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho các ngân hàng giảm so với năm 2020 (dự kiến mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng năm nay vào khoảng 12%) cũng tác động tới tâm lý và hành động của nhà đầu tư.

Bởi, thị trường hiểu rằng đây là động thái cho thấy cơ quan quản lý đang phát ra tín hiệu kiềm chế dòng tiền đổ vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay chứng khoán.

Đây là một lý giải hợp lý nếu đặt trong bối cảnh cơn sốt đầu tư đất nền đang diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước mà báo chí đã rầm rộ đưa tin trong những ngày qua.

Trên thị trường chứng khoán, xét về khía cạnh thanh khoản thị trường thì dòng tiền hiện nay mạnh hơn nhiều năm 2020, thể hiện qua giá trị giao dịch bình quân 1 phiên trên toàn thị trường qua kênh khớp lệnh đạt khoảng 17.000 tỷ đồng - cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020 và gấp 2,7 lần so với mức bình quân của cả năm 2020.

Bất chấp việc khối nhà đầu tư nước ngoài miệt mài rút ròng trong nhiều tháng qua nhưng chỉ số VN-Index vẫn tăng cao, thậm chí đã 4 lần chạm ngưỡng lịch sử 1.200 điểm kể từ tháng 1 cho tới nay.

Điều này cho thấy dòng tiền nội khỏe như thế nào, đặc biệt là khối nhà đầu tư cá nhân trong nước – được hỗ trợ bởi khối lượng margin khổng lồ của các công ty chứng khoán, lên tới gần 81.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020.

Trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã có hiện tượng margin căng cứng, không còn room để mở thêm dư nợ margin, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thậm chí, có công ty đang phải điều chỉnh tỷ lệ và room cho vay để tuân thủ quy định của cơ quan quản lý. Chính vì lý do này mà hiện nhiều công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch phát hành cổ phần để tăng vốn trong năm 2021.

Một môi giới cao cấp tại một công ty chứng khoán nhận định: “Tiền trong dân hiện nay đổ vào chứng khoán vẫn rất nhiều, nhưng tiền đối ứng margin chưa đáp ứng được kịp thời. Vấn đề hạ tầng tài chính của các CTCK hiện nay mới chỉ đáp ứng được cho VN-Index lên 1.200 điểm. Còn để vượt ngưỡng lịch sử này, các công ty chứng khoán phải tăng được vốn tiếp để từ đó tăng thêm được room để tăng cho vay margin”.

Môi giới này nhận định: “Dự báo sau kỳ ĐHCĐ trong tháng 4 thì tháng 5 các CTCK sẽ tăng thêm được vốn chủ sở hữu và khi đó lượng margin cấp ra sẽ gấp đôi số vốn mới tăng đó. Từ đó thị trường sẽ có chất kích thích để vượt 1.200 điểm một cách thuận lợi hơn”.

Trước bối cảnh này, một chuyên gia phân tích thị trường nhận định, khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.

Việt Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục