Liều vắc-xin tăng cường cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Cũng như đa số người dân, đến thời điểm này, doanh nghiệp cũng đã được “tiêm” đủ 2 liều vắc-xin hỗ trợ khả năng chống chọi với dịch bệnh. Đó là gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.
Liều vắc-xin tăng cường cho doanh nghiệp

Hiệu quả của gói tài khóa và tiền tệ - hai “liều vắc-xin” cho doanh nghiệp là tháng 11/2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 44,6%, vốn đăng ký tăng 38%, số lao động tăng hơn 30% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hơn 15% so với tháng trước đó.

Doanh nghiệp hồi phục có sự đóng góp không nhỏ của gói tài khóa gia hạn 92.825 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và 21.300 tỷ đồng tiền giảm thuế.

Dẫu vậy, từ đầu năm đến nay vẫn có tới 106.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Điều này cho thấy, nền kinh tế rất cần “liều vắc-xin tăng cường” nhằm tạo kháng thể mạnh hơn thì mới có thể sống chung với Covid-19 trước khi nhân loại tìm được loại thuốc đặc trị chặn đứng dịch bệnh.

Trên thực tế, giải pháp giảm thuế, gia hạn tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước; gia hạn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và hỗ trợ lãi suất không phải mới được thực hiện trong năm 2020 và 2021, mà từng được Chính phủ thực hiện nhiều lần kể từ năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kết quả sau mỗi lần Chính phủ “ra tay” là hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và lần này cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng khác với những lần kinh tế bị tác động tiêu cực từ bên ngoài trước đây, tức thế giới tính trước được thời điểm kết thúc cuộc khủng hoảng, lần này, sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, đến nay ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa tiên lượng được chắc chắn khi nào mới đẩy lùi được Covid-19. Vì vậy, liệu pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cũng chưa thể đạt hiệu quả như mong đợi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu "thần tốc" hoàn thành chiến dịch tiêm mũi vắc-xin thứ ba cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 (rút ngắn 6 tháng so với dự tính trước đây). Như vậy, có thể thấy, liều vắc-xin tăng cường cho người dân được triển khai quyết liệt, trong khi đó, “liều vắc-xin” tăng cường sức khỏe cho doanh nghiệp hiện chưa rõ sẽ như thế nào.

Sự chậm trễ của cơ quan xây dựng gói tài khóa hỗ trợ thứ ba (Bộ Tài chính) là bởi, nếu mạnh dạn miễn thuế, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp thì ngân khố quốc gia sẽ gặp khó về nguồn để bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư, trả nợ, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Nhưng nếu không “khoan sức dân”, sản xuất, tiêu dùng đình đốn, thì cũng không biết trông vào đâu để tăng thu.

Bài toán cân đối thu - chi đồng thời với “khoan sức dân” không phải bây giờ mới được tính đến, mà đã tính đến trong nhiều năm trước vì trong bối cảnh bình thường, năm nào ngân sách cũng thâm hụt 3-5% GDP. Đó là còn một nguồn thu vô cùng lớn đang bị bỏ sót: thuế tài sản.

Trên thế giới hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản và thuế tài sản giữ vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của nhiều quốc gia. Con số này ở các nước đang phát triển là 3-4% GDP (riêng Nhật Bản là 8% GDP). Còn tại Việt Nam, tỷ lệ này hiện là 0,035% GDP, chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Bộ Tài chính từng đề xuất sắc thuế đánh vào những người sở hữu nhiều tài sản, chủ yếu là đất đai có giá trị lớn để tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời có dư địa thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, hạ thuế suất. Rất tiếc, đề xuất này vẫn chỉ ở dạng... nghiên cứu. Vì vậy, đã đến lúc phải xem xét, ban hành thuế tài sản, tạo nguồn bảo đảm các khoản chi cả thường xuyên, đầu tư, trả nợ, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh và tạo dư địa mở rộng chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong thời gian chờ đợi chính sách thuế mới, để giúp doanh nghiệp tạo mức độ kháng thể mạnh hơn, cần thực hiện nghiêm Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, ngân sách nhà nước sớm chi tiền hỗ trợ công nghệ, thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 13-15%, thay vì 20% như hiện hành... Đây có thể là “liều vắc-xin tăng cường” nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục