Liệu pháp ‘tâm lý ngoại hối’

(ĐTCK-online) Thị trường ngoại hối đang có dấu hiệu được cải thiện, sau một loạt động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Như cơ quan quản lý đã nhiều lần khẳng định, sự mất cân bằng cung - cầu trên thị trường ngoại hối bắt nguồn từ tâm lý đầu cơ ngoại tệ của doanh nghiệp và một phần là của người dân. Các số liệu kinh tế vĩ mô củng cố khẳng định này.

Hết sáu tháng đầu năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải có giải pháp kiểm soát tình trạng găm giữ ngoại tệ. Nhiều chuyên gia đã đề cập tới giải pháp kết hối như một liều thuốc phát huy công dụng tức thì. Tuy nhiên, như ĐTCK đã đề cập trước đây, kết hối chỉ là một giải pháp cuối cùng khi không thể tìm được giải pháp nào khả dĩ. NHNN có vẻ như đã tìm ra giải pháp, đơn giản và “tốn ít sức nhất” - giải pháp tâm lý.

Tìm lại thông tin trong một tháng trở lại đây, số lượng phát ngôn chính thức từ các cơ quan chức năng liên quan tới tình hình cân đối ngoại tệ của nền kinh tế là rất nhiều.

Từ chuyện luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam trong quý II/2009: nguồn vào lớn hơn nguồn ra. Tới chuyện Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định lại rằng: Việt Nam không có ý định giảm giá trị đồng tiền, cân đối ngoại tệ của nền kinh tế vẫn ổn. Rồi mới nhất là NHNN (qua website) khẳng định: đang “bơm” ngoại tệ mạnh mẽ hơn vào hệ thống ngân hàng.

Những động thái “trấn an tâm lý” của NHNN đã phát huy tác dụng: tỷ giá trên thị trường tự do đã bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều tháng. Còn trên thị trường ngân hàng, qua trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết, trong tháng 7, nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp bất ngờ tăng mạnh.

Riêng trong tháng 7, chúng tôi đã cho vay vài trăm triệu USD, một con số khá lớn”, vị lãnh đạo này nói.

Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp ngại vay ngoại tệ chỉ vì không biết tỷ giá “đi đâu, về đâu”. Chỉ cần doanh nghiệp trở lại vay ngoại tệ thì nhu cầu mua ngoại tệ sẽ giảm bớt.

Việc doanh nghiệp quay trở lại vay vốn bằng ngoại tệ chỉ có được khi DN có lòng tin vào chính sách điều hành tỷ giá. Như vậy, các giải pháp “tâm lý” của NHNN đã bước đầu có hiệu quả.

Không phải từ nửa sau năm 2009 NHNN mới bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại. Trong những năm trước, đặc biệt là năm 2008, NHNN đã tích cực “bơm” ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Trong nửa đầu năm 2009 cũng vậy.

Điều khác biệt duy nhất là việc thường xuyên cung cấp thông tin tới thị trường, qua đó tạo sự ổn định về tâm lý cho DN và người dân. Những kết quả bước đầu cho thấy, biện pháp này hiệu quả hơn nhiều việc đại diện NHNN lên truyền hình để trấn an thị trường sau khi thị trường đã trở nên khó kiểm soát hơn.

Trong nhiều năm qua, cần phải thấy rằng, thị trường ngoại hối Việt Nam giống như một chiếc cầu bập bênh rất ít khi ở điểm cân bằng. Hoặc là ở tình trạng doanh nghiệp khó mua ngoại tệ hoặc là khó bán ngoại tệ. Vấn đề là tình trạng đô la hoá của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần nói trên, trong thời gian gần đây, không có nhiều doanh nghiệp tự nguyện bán ngoại tệ cho ngân hàng, mà vẫn tiếp tục găm giữ dưới các tài khoản tiền gửi.

Con số tổng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng lên tới hàng chục tỷ USD là một con số rất lớn. Chỉ khi nào doanh nghiệp chịu bán số ngoại tệ đó cho ngân hàng thì thị trường ngoại hối mới có thể ổn định thực sự. Biện pháp “tâm lý” đã tỏ ra có hiệu quả trước mắt, nhưng giải pháp nhằm buộc các doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ phải bán ra thì sao?. Có những doanh nghiệp quốc doanh gửi tới vài trăm triệu USD trong ngân hàng. Chỉ cần áp dụng kết hối với các đối tượng này có thể cũng đã là đủ.

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục