Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, vừa qua, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài về việc bán cổ phần, nhưng đến giai đoạn “chốt” lại trùng thời điểm giá cổ phiếu xuống thấp. Để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư hiện hữu, Ban lãnh đạo đã quyết định chưa bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
“Bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì tốt, nhưng không bán được cũng không quan trọng đối với Ngân hàng”, ông Sơn nói.
Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, giảm chi phí vốn, nhưng ông Sơn cho rằng, tập trung lĩnh vực bán lẻ, thúc đẩy phát triển dịch vụ, tỷ trọng tiết kiệm cá nhân ở mức cao sẽ tạo ra sự phát triển bền vững.
Theo đó, trong năm 2022, Ngân hàng sẽ tập trung tăng trưởng tín dụng bán lẻ an toàn, đặc biệt tại khu vực nông thôn trên cơ sở khai thác thế mạnh mạng lưới, thực hiện tuyển dụng mới chuyên viên bán hàng để bổ sung nguồn lực cho các đơn vị kinh doanh, nhất là các phòng giao dịch.
“Suốt 5 năm vừa qua, Ngân hàng lặng lẽ phát triển, nâng cấp mạng lưới để đến bây giờ, nếu so với các ngân hàng thương mại tư nhân thì LienVietPostBank là ngân hàng bán lẻ trẻ, nhiệt huyết, có lợi thế mạng lưới lớn nhất. Đặc biệt, hướng đi vào lĩnh vực bán lẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất an toàn”, ông Sơn chia sẻ.
Đại hội đồng cổ đông LienVietPostBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tổng tài sản 336.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 là 257.070 tỷ đồng, tín dụng thị trường 1 là 246.650 tỷ đồng, thu dịch vụ 1.150 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 12% trên cơ sở lợi nhuận trước thuế dự kiến 4.800 tỷ đồng, nhưng Ban lãnh đạo Ngân hàng sẽ cố gắng đạt lợi nhuận tốt nhất.
Ông Sơn cho hay, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không bao gồm phí độc quyền bảo hiểm sẽ kết thúc vào tháng 5 này. LienVietPostBank là ngân hàng duy nhất chưa ký độc quyền bảo hiểm với công ty nào và 5 năm hợp tác với Dai-i-chi là để tập dượt, chuẩn bị cho một kế hoạch lớn, chiến lược dài hơn. Ban lãnh đạo Ngân hàng đã đàm phán hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm lớn trên thế giới.
“Nếu thành công, năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi lớn và dự kiến giữa tháng 6 có kết quả”, ông Sơn nhấn mạnh.
Báo cáo tài chính quý I/2022 của LienVietPostBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 1.795 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt 3.260 tỷ đồng, tăng gần 39%. Trong đó, thu nhập thuần từ lãi tăng 40% do quy mô cho vay bán lẻ, thu hồi lãi của các khoản cho vay được tái cơ cấu vì dịch Covid-19 do khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cho biết đã linh hoạt cân đối nguồn vốn để phù hợp với tốc độ tăng tín dụng, giúp tối ưu được hiệu quả sử dụng nguồn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,4%, đạt 217,4 tỷ đồng, nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số. Tăng trưởng mạnh nhất là hoạt động khác (chủ yếu là xử lý, thu hồi nợ xấu), với mức tăng 22 lần. Tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh, trong khi chi phí được kiểm soát tốt (chỉ tăng hơn 12%), nên mặc dù Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro (tăng 48%, lên 311 tỷ đồng) song lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều tăng 62%.
Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông LienVietPostBank đã nhất trí phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.213 tỷ đồng, lên hơn 21.249 tỷ đồng, thông qua việc chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm nay, Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp cùng đối tác tư vấn triển khai dự án Basel III với chuẩn mực quốc tế cao hơn để củng cố hơn nữa nền tảng hoạt động, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống; đầu tư công nghệ, hiện đại hoá ngân hàng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; đưa vào hoạt động 4 chi nhánh, 1 phòng giao dịch...