Tính đến hết tháng 9, tổng tài sản ngân hàng đạt 150.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ngân hàng lên 97 nghìn tỷ đồng, huy động vốn trên thị trường 1 là 129,7 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 108.000 tỷ đồng cuối quý II/2017. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 11%.
Tính đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu LienVietPostBank giảm còn 1,16%
Ông Sơn cho biết, cả năm dự kiến huy động vốn trên thị trường 1 sẽ đạt 140.000 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu là 150.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi thanh toán 30%, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ này hoặc có thể cao hơn.
Trong 2-3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng của LPB tương đối cao, bình quân 30-35%/năm. Tiềm năng về tăng trưởng tín dụng vẫn còn lớn, nhưng các tổ chức tín dụng bị giới hạn bởi sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Lãnh đạo LPB chia sẻ, tăng trưởng tín dụng của Liên Việt hiện được phép tăng 21%, kỳ vọng trong tháng 11 sẽ có lần điều chỉnh nữa thì Liên Việt có thể đạt mức 30%.
Về tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) trong thời gian tới dự kiến 4-5%/năm. Trong năm 2016 là 3,7%, 6 tháng đầu năm nay là 4%. Còn tỷ lệ nợ ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 43%, theo kế hoạch, ngân hàng sẽ cố gắng duy trì ít nhất theo quy định của ngân hàng nhà nước, giai đoạn 2018-2019 là dưới 40%.
Đối với tỷ lệ nợ xấu, tính đến 30/9 là 1,16%, giảm so với con số 1,28% vào cuối tháng 6, riêng tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng là 1,3%.
Hiện mạng lưới của LPB ngoài 1.067 điểm dịch vụ còn có 200 phòng giao dịch cấp huyện. Dự kiến đến cuối năm 2018, số phòng giao dịch nâng lên 500 và đến giữa năm 2019 là 700 phòng giao dịch cấp huyện trên toàn quốc. Đây chính là lợi thế giúp LPB có thể triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ thu hộ, chi hộ từ đơn giải đến phức tạp để nâng cao trình độ của cán bộ VNPost.
“Đặc biệt, chúng tôi còn cung cấp 2 sản phẩm độc quyền là cho vay cán bộ hưu trí và trả lương trên toàn quốc”, ông Sơn nói. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng 1,3% nếu nói chính xác thì thấp hơn do có những khoản vay hưu trí gần như không có rủi ro bởi có những khách hàng vay và LPB trích trừ thông qua lương hưu của họ.
Hiện LPB đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 25%. Vì liên quan nhiều đến tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nên giá bán hiện chưa thể tiết lộ được và việc nhanh hay chậm cũng phải tính bằng năm, chứ không thể tính bằng ngày.
- Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc LPB
Hiện hoạt động cho vay tại các phòng giao dịch bưu điện của LPB gần như là tín dụng tiêu dùng, khoảng 14.000 tỷ đồng, toàn hệ thống thì lớn hơn rất nhiều. Huy động tiết kiệm cá nhân trên kênh này đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Còn trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, luỹ kế đến 30/9 là 740 tỷ đồng trên tổng số trái phiếu VAMC là 1.650 tỷ đồng. “Nếu không có gì thay đổi, số còn lại sẽ được chúng tôi trích hết trong năm tới”, ông Sơn cho biết.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Sơn cho biết, dự kiến kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là 1.800 tỷ đồng, cổ tức 12%, vốn điều lệ tăng lên 7.500 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư liên quan đến đối tác chiến lược nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc cho biết, hiện nay LPB đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 25%.
Bên cạnh đó, bà Sơn cho biết thêm, vì liên quan nhiều đến tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nên giá bán hiện chưa thể tiết lộ được và việc nhanh hay chậm cũng phải tính bằng năm, chứ không thể tính bằng ngày.