Liên tiếp xảy ra cháy: Cần mua bảo hiểm theo giá trị thực tế

(ĐTCK) Sau sự cố cháy Chung cư Carina ngày 23/3 vừa qua, đã có ít nhất 4 vụ cháy chung cư ở mức độ thấp hơn xảy ra tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, vẫn có khoảng 38 chung cư chưa đảm bảo quy định PCCC trên địa bàn Thành phố. Điều này càng đẩy mối quan ngại về an toàn PCCC tại chung cư lên cao. Báo Đầu tư chứng khoán xin ghi nhận ý kiến của các chuyên gia xoay quanh câu chuyện này. 
Vụ cháy tại Chung cư Carina, quận 8, TP.HCM gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn Vụ cháy tại Chung cư Carina, quận 8, TP.HCM gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ảnh: Lê Toàn

"Khách mua nhà yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các văn bản nghiệm thu PCCC"

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ (Bộ Công an)

Khi người dân thực hiện ký kết hợp đồng mua nhà, cần yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo thực hiện thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và xây dựng theo quy định, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC trước khi bàn giao.

Khi tiếp nhận bàn giao nhà, người dân cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các văn bản nghiệm thu PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC và cơ quan quản lý về xây dựng. Ngoài ra, cư dân cần yêu cầu thành lập ban quản trị tòa nhà, thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...

Người đứng đầu cơ sở (đơn vị quản lý tòa nhà) có trách nhiệm kiểm tra, duy trì hoạt động của các hệ thống PCCC trong quá trình vận hành; bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống để bảo đảm hệ thống hoạt động theo chức năng.

Còn cơ quan cảnh sát PCCC thực hiện công tác kiểm tra định kỳ theo quy định của pháp luật, trong đó ghi nhận tình trạng hoạt động các hệ thống, thiết bị PCCC tại thời điểm kiểm tra. Trường hợp phát hiện tình trạng vi phạm (hệ thống không hoạt động) thì cần có kiến nghị để cơ sở khắc phục, xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, cư dân cần phải chấp hành các quy định PCCC đối với tòa nhà, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiến nghị ban quản lý tòa nhà khắc phục những tồn tại, thiếu sót về PCCC; thông báo kịp thời những vi phạm cho cơ quan cảnh sát PCCC địa phương để kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp xử lý.

"Công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả bồi thường nếu chủ đầu tư vi phạm quy định PCCC"

Ông Vũ Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm PVI

Tại vụ cháy Carina, Công ty Hùng Thanh có mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng, một loại hình bảo hiểm cho bên thứ ba (ở đây có thể là con người và tài sản của cư dân). Tuy nhiên, mức độ bảo hiểm để chi trả cho trách nhiệm này lại rất thấp, chỉ là 500 triệu đồng.

Trong đó, mỗi nạn nhân liên quan tối đa cũng chỉ được bồi thường 20 triệu đồng và tổng mức chi trả thiệt hại về người không quá 200 triệu đồng. Nếu Công ty Hùng Thanh tham gia mức trách nhiệm bảo hiểm cao hơn, thì quyền lợi được chi trả bồi thường của cư dân có thể được đảm bảo tốt hơn.

Với các khu chung cư nói chung, có câu hỏi rằng: “Nếu tôi tham gia mua bảo hiểm cháy nổ chung cư, khi xảy ra cháy mà nguyên nhân do tòa nhà không có hệ thống PCCC đúng quy định, tôi có được bồi thường không?”.

Chúng tôi xin trả lời như sau, theo quy định, khi xảy ra cháy nổ như thế, nếu đã mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường dựa trên hợp đồng bảo hiểm. Sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thế quyền chủ căn hộ để thu đòi từ các bên chịu trách nhiệm việc hệ thống PCCC không đúng quy định. Nếu chủ đầu tư vi phạm quy định về PCCC, thì công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả một phần hoặc toàn bộ số tiền yêu cầu bồi thường.

"Doanh nghiệp bảo hiểm được phép từ chối bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nếu cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định"

Ông Nguyễn Quang Huyền , Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Theo Cục Cảnh sát PCCC, toàn quốc có hơn 77.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (BHCNBB), trong đó hơn 43.000 cơ sở đã tham gia mua sản phẩm bảo hiểm này, chiếm 56%.

Điều 19-Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định,  nhà bảo hiểm bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng nếu từ chối bán BHCNBB cho cá nhân, tổ chức (trừ trường hợp được từ chối bán theo quy định tại Khoản 3, Điều 3-Nghị định 23/2018/NĐ-CP).

Cụ thể, nhà bảo hiểm được từ chối bán BHCNBB nếu cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định; không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua BHCNBB…

"Cần mua bảo hiểm theo giá trị thực tế, hoặc theo đúng giá trị thị trường của ngôi nhà"

Ông Vũ Chí Huy, Giám đốc Bảo hiểm Bưu điện Âu Lạc

Đang có không ít rủi ro tiềm ẩn tại các hầm chung cư, kể cả những khu chung cư cao cấp. Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm công cộng, liên quan quyền lợi của bên thứ ba là các cư dân lại đang được mua quá thấp, nên khi xảy ra rủi ro thì mức bồi thường không đáng kể. Do đó, ngay cả với những căn hộ chung cư được mua trả góp, khách hàng cần mua bảo hiểm theo giá trị thực tế, hoặc theo đúng giá trị thị trường của ngôi nhà.

Bảo hiểm xe máy, ôtô để trong hầm và bảo hiểm cho nhà chung cư là 2 loại hình bảo hiểm khác nhau (bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản). Khách hàng nên mua cả 2 loại này, vì nếu chỉ mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà chung cư mà không mua bảo hiểm cho xe máy và ôtô của chủ hộ để trong hầm, thì khi rủi ro cháy xảy ra sẽ không được bảo vệ tốt nhất. 

Kim Lan thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục