Trong những năm qua, chủ trương liên kết vùng của Đảng và Nhà nước đã từng bước được hiện thực hóa, tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Về mặt nhận thức, quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng là một bộ phận hữu cơ của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia; là phương thức để tạo ra các mũi nhọn, các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Mục tiêu của liên kết vùng không chỉ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong tổng thể nền kinh tế, mà còn là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “cục bộ”, từ đó khai thác tối đa nguồn lực của xã hội.
Quá trình xây dựng chiến lược liên kết vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, đầu tư, quản trị và phát triển tất cả các ngành kinh tế… đòi hỏi một cơ chế điều phối, quản trị hợp lý.
Và theo đó, chính sách phát triển vùng (bao gồm cả liên kết vùng) cần quan tâm đến tính lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của mỗi địa phương để đảm bảo tính nhất quán giữa tầng lớp dân cư. Trong thời gian qua, những cố gắng để thúc đẩy, triển khai thực hiện nội dung này đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực ban đầu.
Để Trung tâm và vệ tinh “cùng thắng”
Trên thực tế, dù TP.HCM đang hội tụ các thế mạnh lẫn nguồn lực để phát triển tiên phong, nhưng mối quan hệ trung tâm - vệ tinh hiện tại vẫn đang rất hạn chế, phần lớn bởi khái niệm địa giới hành chính cũng là địa giới kinh tế.
Bên cạnh việc tập trung các nguồn lực và các thành phần kinh tế để đầu tư, vấn đề thiết lập, triển khai cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cũng là một hướng đi cần thiết. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định rằng, liên kết vùng cần dựa trên những quy luật và dòng chảy của thị trường, chứ không chỉ đơn thuần mang tính quản lý hay hành chính.
Trong đó, việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp có thể đánh giá là ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, hệ thống giao thông kết nối TP.HCM cùng các tiểu vùng đã phần nào thành hình. Có thể kể đến các công trình như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP.Dĩ An (Bình Dương), mở rộng Quốc lộ 1A, hay tiến hành phát triển đường Vành Đai 3 và tuyến Quốc lộ 22...
Ngoài ra, theo Bộ Giao thông - Vận tải, mục tiêu của việc phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5 - bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và các cảng bến sông Soài Rạp, Long An) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm bố trí hợp lý các cảng biển để phát huy hiệu quả tổng hợp, tạo sự phát triển cân đối, giảm tải lưu lượng giao thông đô thị, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng. Nếu việc xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng để điều tiết mối liên hệ thuận tiện thì từ đó, hạ tầng và tiện ích xã hội, công cộng sẽ được cải thiện đồng bộ.
Kỳ vọng của các nhà đầu tư
Với bản điều chỉnh liên kết vùng TP.HCM đến 2030 tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2017, có thể nhận định, năm 2018 sẽ là một năm sôi động của ngành bất động sản, với tiền đề nguồn cung từ hàng loạt các dự án khởi động từ đầu 2017.
Sức nóng liên kết vùng có thể kể đến đà đột phá của thị trường bất động sản khu vực vùng ven từ Đông sang Tây Thành phố, điển hình là sự đa dạng của các loại hình sản phẩm địa ốc từ đất nền đến chung cư, thậm chí cả nhà phố, biệt thự, villa. Các dự án giãn dân cũng đang dần lan tới các huyện Dĩ An (Bình Dương) hay Nhơn Trạch, Biên Hòa (Đồng Nai), thay vì chỉ tập trung ở khu vực quận 2, giáp quận 1 như trước đây.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị.
Bên cạnh việc giảm thuế đất, hoàn thiện hạ tầng, nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào sự thúc đẩy tháo gỡ rào cản về giấy phép con và sự linh hoạt trong xử lý hành chính. Chính sách thiết kế dành cho tiểu vùng và đặc khu cũng sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh so với các trung tâm kinh tế khu vực và thế giới.
Ngoài các ngành nghề cơ bản, việc phát triển liên kết vùng cũng được khuyến khích theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các địa bàn đột phá.
Tiếp nối một năm 2017 lạc quan, thị trường bất động sản 2018 được giới phân tích dự đoán sẽ tiếp tục chảy về khu vực kết nối vùng, bởi hiện nay, khu vực này đang đứng trước vô số lợi thế đáng kể mà thị trường phân khu lõi không hề có. Hơn cả một sứ mệnh, liên kết vùng cũng là giải pháp đầy triển vọng cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong thời gian tới.