Liên kết đón dòng FDI

(ĐTCK-online)Hiện nay, khu vực miền Trung (bao gồm các tỉnh thành từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà và 4 tỉnh Tây Nguyên) được đánh giá là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 3 năm liên tiếp vừa qua đạt trên 10%/năm.

Với bờ biển dài, nhiều cảng biển, sân bay và là cửa ngõ quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây, miền Trung đã và đang là điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2007, khu vực này đã thu hút được 28 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 460 triệu USD, tăng 40% về số dự án và 60% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn vốn FDI tập trung ở các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Dẫn đầu khu vực về thu hút FDI là Thừa Thiên - Huế (283 triệu USD), Đà Nẵng (97 triệu USD) và Bình Định (39 triệu USD). Trong tổng số dự án đăng ký, lĩnh vực du lịch - dịch vụ chiếm 86% (400 triệu USD), còn lại là các ngành công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp.

Tính tới thời điểm hiện nay, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thu hút gần 360 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD (gồm cấp mới và tăng vốn), chiếm 5% số dự án và 6% số vốn đăng ký cả nước.

Ông Lê Hữu Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung nhận định, tình hình thu hút FDI của khu vực năm nay đã có nhiều khởi sắc so với những năm trước. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung cả nước, khu vực này vẫn tồn tại khoảng cách quá lớn về số dự án cũng như tổng vốn đăng ký. Nguyên nhân chủ yếu tác động đến thu hút FDI là cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa tận dụng lợi thế sẵn có do thiên nhiên ưu đãi. Bên cạnh đó, ông Huy cho rằng, cơ cấu FDI vào miền Trung còn phân vùng quá lớn, hầu hết nhà đầu tư tập trung vào các địa phương vùng duyên hải, có lợi thế về giao thông, cảng biển như Đà Nẵng, Quảng Nam...

 Thời gian gần đây, một số địa phương đã có động thái “sàng lọc” các dự án đầu tư treo, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam, với hơn 30 dự án. Ông Huy cho biết, việc sàng lọc này được xem là “một bước lùi, hai bước tiến” trong công tác xúc tiến đầu tư, bởi lẽ, nếu việc rút giấy phép đầu tư của các dự án treo được thực hiện theo đúng luật định sẽ tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn, đánh giá đúng “giá trị” thật của các dòng FDI.

Với vấn đề làm thế nào để miền Trung - Tây Nguyên thu hút được những dòng FDI lớn, tương xứng với tiềm năng phát triển của khu vực, theo ông Huy, trước tiên, các địa phương cần nắm rõ nguyện vọng của nhà đầu tư, trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc phổ biến công khai danh mục các dự án cần kêu gọi. Đặc biệt, các địa phương cần phải có quy hoạch tổng thể các lĩnh vực cần vốn FDI, trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để tạo “bàn đạp” thu hút các dự án lớn hơn nhằm hỗ trợ cho việc liên kết phát triển kinh tế giữa các miền. Chẳng hạn, đối với nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, các tỉnh miền Trung cần khuyến khích kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, dầu khí, sửa chữa, sản xuất linh kiện máy bay, xây dựng cảng biển, nâng cấp sân bay, hạ tầng du lịch... Điều này, một mặt giúp miền Trung xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư độc lập, không chồng chéo với hai đầu đất nước, mặt khác sẽ giúp các địa phương tạo nên sự liên kết “hữu cơ” để cùng chia sẻ lợi ích trên con đường phát triển.

Hoàng Thủy
Hoàng Thủy

Tin cùng chuyên mục