Nghị quyết cũng bày tỏ sự ủng hộ Pakistan - đất nước hiện có 1/3 diện tích bị ngập lụt do mưa lớn kỷ lục kéo dài.
Nghị quyết được toàn bộ 193 nước thành viên thông qua, cho rằng việc được tiếp cận tốt hơn nguồn quỹ chống biển đổi khí hậu quốc tế là yếu tố quan trọng để giúp các nước đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương nhất.
Các cuộc đàm phán quốc tế hiện nay về biến đổi khí hậu tập trung nhiều vào việc các nước giàu không thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ USD/năm cho nguồn quỹ biến đổi khí hậu năm 2020. Các nước đang phát triển cũng kêu gọi lập các quỹ đặc biệt để bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà những nước này phải gánh chịu từ biến đổi khí hậu.
Phát biểu trước Đại hội đồng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến khai mạc tại Ai Cập vào tháng 11 tới, phải là dịp để có hành động nghiêm túc bù đắp tổn thất và thiệt hại. Ông nhấn mạnh COP27 phải là dịp làm rõ về nguồn quỹ quan trọng phục vụ thích ứng và phục hồi do biến đổi khí hậu.
Các nước đang phát triển mặc dù không phải đóng vai trò tác nhân chính gây biến đổi khí hậu song đang hứng chịu nhiều thiệt hại nhất của tình trạng này. Pakistan có thể được coi là một ví dụ điển hình. Đợt lũ quét do mưa lớn kéo dài gần đây đã cướp đi sing mạng của khoảng 1.700 người, phá hủy hoặc làm hư hại 2 triệu ngôi nhà và khiến 1/3 đất nước chìm trong bùn lầy, nước đọng. Cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo và giúp Pakistan tái thiết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cảnh báo thảm họa lũ lụt tại Pakistan chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" nếu so với những thảm họa khí hậu có thể xảy ra trong tương lai. Ông cho biết đang làm việc với Chính phủ Pakistan để tổ chức hội nghị các nhà tài trợ cấp cao nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này.