Liên danh Taseco - Hancorp - AOV đầu tư sân bay Đà Nẵng

Lần đầu tiên, một nhà ga cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, công suất 4 triệu lượt khách/năm, sẽ do một tổ hợp các nhà đầu tư trong nước thực hiện.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang sắp sửa bị quá tải. Ảnh: Đức Thanh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang sắp sửa bị quá tải. Ảnh: Đức Thanh

Theo đề xuất vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải giữa tuần trước, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang quản lý và khai thác Sân bay Đà Nẵng sẽ cùng với liên danh nhà đầu tư trong nước là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco) - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - Công ty cổ phần Đầu tư AOV thành lập công ty cổ phần để cùng đầu tư Dự án.

Trong doanh nghiệp cổ phần thực hiện dự án này, Taseco - Hancorp - AOV (TAH) góp 90% vốn điều lệ, phần còn lại sẽ do ACV đảm nhận.

Trước đó, trong đơn gửi Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu tháng 3/2015, liên danh TAH đề xuất đầu tư xây dựng mới nhà ga hành khách phục vụ các chuyến bay quốc tế đi và đến Đà Nẵng (bên cạnh nhà ga hiện hữu), với công suất 4 triệu lượt khách/năm theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).

Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Taseco là đại diện cho liên danh khẳng định, TAH có đủ tài chính, kinh nghiệm để triển khai xây dựng và vận hành nhà ga hàng không mới tại Đà Nẵng.

Cụ thể, Taseco - doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu về dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không và là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Việt Nam. Hai đối tác còn lại trong liên danh cũng có những thế mạnh riêng, như Hancorp là doanh nghiệp xây dựng dân dụng hàng đầu với vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng, tổng tài sản 5.000 tỷ đồng, trong khi AOV có năng lực tài chính cùng khả năng kết nối các tổ chức tài chính, tín dụng.

Cần phải nói thêm rằng, TAH không phải là các nhà đầu tư duy nhất nộp đơn xin đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế mới - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Xuất phát chậm hơn khoảng nửa tháng, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đệ đơn lên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng xin đầu tư xây dựng công trình theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), với tổng vốn đầu tư dự kiến từ 80 triệu USD.

Ngoài việc có 25 năm kinh doanh hệ thống cửa hàng miễn thuế, hệ thống chuỗi nhà hàng thức ăn và dịch vụ bán lẻ tại các sân bay quốc tế, quốc nội Việt Nam, IPP được cho là đã thắng lớn tại Sân bay Đà Nẵng kể từ khi nhà ga quốc tế hiện hữu tại cảng hàng không lớn nhất miền Trung này được đưa vào hoạt động cuối năm 2011.

“Mặc dù chưa chính thức chốt tên nhà đầu tư, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, nhà ga quốc tế mới tại sân bay Đà Nẵng sẽ được đầu tư bởi các nhà đầu tư nội”, một lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Được biết, Nhà ga hành khách của Cảng hàng không Đà Nẵng hiện tại được đưa vào khai thác tháng 12/2011 có tổng diện tích sử dụng 36.600 m2, công suất phục vụ tối đa 6 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, với tốc độ hành khách thông qua Sân bay tăng nhanh, trung bình 14,5%/năm, sân bay này sẽ quá tải trong năm nay (năm 2014 đã đạt gần 5 triệu khách).

Hiện ACV có kế hoạch nâng công suất nhà ga lên mức 8 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, công suất này chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 3 năm tới, sau đó sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải.

“Việc đầu tư một nhà ga mới dự kiến hoàn thành vào năm 2017 là rất cấp bách”, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV khẳng định.

Theo đề xuất của ACV, nhà ga quốc tế mới nằm bên phải nhà ga hiện hữu, trên phần đất nhà ga cũ, nhà ga hàng hóa và một số công trình khác của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Trong đó, giai đoạn đầu sẽ đầu tư trang thiết bị đảm bảo phục vụ 2,3 triệu lượt khách/năm, đáp ứng nhu cầu dự kiến đến năm 2020, sau đó đầu tư đầy đủ thiết bị để phục vụ 4 triệu lượt khách/năm.

“Tại dự án này, ACV chỉ góp 10% vốn, nên không ảnh hưởng gì tới việc đầu tư vào Dự án hạ tầng trọng điểm là Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, ông Hùng cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục