Dồn vốn cho năng lượng tái tạo
Licogi 16 vừa thông qua kế hoạch huy động vốn trong năm 2021 và không chia cổ tức để phục vụ nhu cầu đầu tư.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm, Licogi 16 sẽ chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm thu về 500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp dự kiến dùng 204 tỷ đồng thanh toán nợ vay đối với các tổ chức tín dụng; 146 tỷ đồng góp vốn triển khai dự án giai đoạn 2 dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc với công suất 25 MWp và 150 tỷ đồng đầu tư dự án Khu dân cư Long Tân.
|
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, Licogi 16 cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, doanh thu sẽ chủ yếu đến từ lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo; dự kiến doanh thu tăng gần 39%, từ 3.600 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến 2023, Công ty sẽ giữ lại lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, việc trả cổ tức sẽ bằng cổ phiếu.
Trong năm 2021, LCG đặt mục tiêu tái cấu trúc dự án năng lượng hiện có; phát triển đầu tư khoảng 1.000 MWp điện năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời; chào thầu một số dự án điện mặt trời nổi với tổng quy mô công suất trên 3.000 MWp. Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo năm 2021 là 197 tỷ đồng, năm 2022 là 348 tỷ đồng, năm 2023 là 586 tỷ đồng.
Lĩnh vực bất động sản năm 2021 sẽ được Licogi 16 đầu tư 100 tỷ đồng, sau đó từ năm 2022 đến 2025 đầu tư 50 tỷ đồng/năm. Đối với lĩnh vực giao thông, kế hoạch đầu tư năm 2022 và 2023 mỗi năm 50 tỷ đồng.
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LCG cho hay, năm 2020, Công ty thi công hoàn thành 5 dự án điện mặt trời, tổng công suất 300 MWp. Đây là bước đột phá để LCG chinh phục mảng hoạt động mới là năng lượng tái tạo, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là hạ tầng giao thông.
“Bão” giá nguyên liệu
Về việc đầu tư mở rộng các dự án năng lượng, Licogi 16 đang đối mặt với khó khăn đến từ tình trạng giá nguyên liệu cơ bản tăng phi mã cũng như áp lực truyền tải nói chung của các dự án năng lượng tái tạo hiện nay.
Theo Pavel Molchanov, nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Raymond James (Mỹ), polysilicon (một dạng silicon được sử dụng để sản xuất chính trong tấm pin mặt trời) cũng như nhiều vật liệu khác đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây và các nhà sản xuất năng lượng mặt trời đang tìm cách chuyển những chi phí cao hơn này lên giá thành sản phẩm sang cho khách hàng.
|
Diễn biến giá polysilicon toàn cầu giao ngay từ đầu năm 2021 tới ngày 19/5/2021. Nguồn: PV InfoLink, Bernreuter Research. |
Được biết, cấu tạo tấm pin mặt trời gồm khung nhôm, kính cường lực, lớp màng EVA, solar cell, tấm nền pin, hộp đấu dây, cáp điện, jack kết nối MC4. Trong đó, solar cell (tế bào quang điện) được làm từ silicon - chất bán dẫn và là thành phần quan trọng của tấm pin mặt trời.
Dữ liệu của Bernreuter Research cho thấy, kể từ đầu năm 2021 tới nay, giá giao dịch polysilicon liên tục tăng cao, hiện đạt xấp xỉ 22 USD/kg, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Ngoài ra, dữ liệu của Trading Economics cho hay, kể từ đầu năm 2021 tới ngày 18/5/2021, giá nhôm đã tăng 26,2% và giá đồng tăng 35%, đây là hai thành phần quan trọng trong tấm pin mặt trời, sau polysilicon.
Trong “cơn bão” giá nguyên liệu cơ bản từ dầu, thép, đồng, than..., giá những thành phần chính cấu thành nên giá vốn của tấm pin mặt trời được dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Chủ đầu tư một dự án năng lượng tái tạo chia sẻ, giá pin mặt trời hiện đã tăng 10% so với trước do khan hiếm nguồn cung và suất đầu tư dự kiến tăng thêm 7%.
Trong bối cảnh trên, giá vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Licogi 16 có thể sẽ tăng so với ước tính ban đầu.
Trong khi đó, giá bán điện thường cố định ngay thời điểm đầu tư, điều này tiếp tục gây rủi ro không nhỏ cho những dự án đang và sẽ xây dựng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, rủi ro liên quan tới truyền tải điện năng khi hệ thống truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thể đáp ứng được toàn bộ các dự án năng lượng tái tạo.
Báo cáo về ngành năng lượng tái tạo trong 2 năm trở lại đây của Bộ Công thương đánh giá, việc phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tái tạo, tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải trong một số thời điểm...
Có thể thấy, tham vọng tiến sâu hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng chính giai đoạn 2021 - 2025 của Licogi 16 đang đối mặt với hai bài toán lớn: một là bão giá nguyên liệu gia tăng dẫn tới tăng chi phí đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời; hai là áp lực truyền tải khi hệ thống truyền tải điện quốc gia vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn tới lãng phí.
Kể từ năm 2017 tới nay, Licogi 16 liên tục gia tăng nợ vay: nếu như năm 2017, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 432,6 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng nguồn vốn, thì tới 31/3/2021 là 1.253,6 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng nguồn vốn, trong đó có 489,6 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.
Được biết, Công ty đã lên kế hoạch huy động vốn từ phát hành cổ phiếu để thanh toán 204 tỷ đồng dư nợ vay tại tổ chức tín dụng.