LGC: Nhiều kế hoạch kinh doanh phụ thuộc vào CII

(ĐTCK) Sáng nay 25/4, CTCP Đầu tư cầu đường CII đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 630 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các hoạt động mảng cầu đường là 602 tỷ đồng, doanh thu tài chính 28 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 317 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ CII là 247 tỷ đồng.

Năm 2016, bên cạnh tiếp nhận dự án chuyển nhượng từ công ty mẹ, LGC sẽ triển khai đầu tư xây dựng mới 2 dự án gồm dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 và dự án mở rộng quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, năm 2015, CII đã ký hợp đồng chính thức với Bộ Giao thông Vận tải theo hình thức BOT, và đã nhận giấy chứng nhận cấp phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 1 năm nay, đã bàn giao cho LGC thi công.

Trong dự án này LGC hiện chiếm 10% tỷ lệ vốn góp đầu tư, và sẽ tạm ứng mua tiếp thêm 5%. Theo kế hoạch, dự án có tổng cộng 3 trạm thu phí, trong đó thời gian thu phí đoạn Sài Gòn-Trung Lương là 11 năm, đoạn Trung Luong-Mỹ Thuận là hơn 20 năm. Dự kiến hoàn thành đầu tư năm 2018 và đưa vào hoạt động năm 2019.

Đối với dự án mở rộng quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, LGC đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, trong đó LGC chiếm 51%, đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp giấy phép vào tháng 10/2015. LGC sẽ tổ chức thực hiện và triển khai các thủ tục chọn nhà thầu thiết kế, giám sát, ký phụ lục dự án để hoàn tất hợp đồng.

Theo đó, dự kiến sẽ khởi công vào quý II/2016 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018. Doanh thu phát sinh sau khi triển khai thu phí cầu Rạch Miễu và sau khi đàm phán với Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa ra mức thu cụ thể.

Về dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, HĐQT LGC cho biết, LGC vừa khởi động thi công bổ sung phần hầm chui trên đường song hành đoạn qua nút giao Trạm 2 và phần đường 8km đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao thông Đại học Quốc gia.

Công ty cũng lên kế hoạch bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng 1.400 tỷ, đẩy tổng mức đầu tư chính thức lên 5.900 tỷ đồng, sau khi nhận mặt bằng,phương án bồi thường giải tỏa được phê duyệt của UBND tỉnh Bình Dương, LGC sẽ lập kế hoạch giải ngân cụ thể.

Cũng tại Đại hội, ông Lê Hoàng Vũ, Chủ tịch HĐQT LGC chia sẻ, 20/4, công ty mẹ CII vừa chính thức ký hợp đồng BT với UBND TP.HCM, nhằm triển khai hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng diện tích đất dự án 98 héc-ta với tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng. Trong dự án này, "có khả năng" CII sẽ giao cho LGC thực hiện các trục đường chính, trong đó có một con đường nối cầu Thủ Thiêm 1 với đường Mai Chí Thọ. Kết quả chính thức sẽ được công bố ngay khi có.

Về việc gia tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài có mong muốn đầu tư là dài hạn tại LGC là Metro Pacific Tollways Corporation. Việc mua thêm cổ phần để gia tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài này phụ thuộc rất nhiều vào việc CII, cổ đông công ty mẹ của LGC, có muốn bán bớt cổ phần hay không. Tính đến cuối tháng 3/2016, tỷ lệ sỡ hữu của tại LGC của CII là 67,36%.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục