LG chính thức khánh thành Dự án 1,5 tỷ USD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ

Việc có tới 3 dự án tỷ USD đi vào hoạt động trong quý I/2015 là tín hiệu tích cực đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đó là Samsung Display (vốn 1 tỷ USD), Dự án BOT Nhiệt điện Mông Dương 2 (1,95 tỷ USD) và Tổ hợp công nghệ cao LG (1,5 tỷ USD).

Tổ hợp công nghệ cao LG  có tổng vốn đầu tư lến tới 1,5 tỷ USD Tổ hợp công nghệ cao LG có tổng vốn đầu tư lến tới 1,5 tỷ USD

Hôm nay (27/3), Dự án Tổ hợp công nghệ cao LG (Hải Phòng), vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, chính thức làm lễ khánh thành nhà máy tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng).

Mặc dù trên thực tế, LG đã đưa nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái, song đây vẫn là động thái cho thấy sự chuyển động tích cực của các dự án FDI quy mô lớn ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh LG vừa công bố sẽ chuyển việc sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam trong năm nay, nhằm tăng công suất và tiết kiệm chi phí.

Cùng với LG, đầu tháng 3 này, Samsung Display cũng đã đưa dự án chuyên sản xuất các loại màn hình có độ phân giải cao dùng cho điện thoại di động tại Bắc Ninh, vốn đầu tư 1 tỷ USD, đi vào vận hành, cung cấp linh kiện quan trọng cho hai nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Trong một động thái khác, trung tuần tháng 3/2015, dự án tỷ USD khác - Dự án BOT Nhiệt điện Mông Dương 2, vốn đầu tư 1,95 tỷ USD, đã vận hành Tổ máy số 1 với công suất 560 MW. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện và chạy thử toàn bộ nhà máy vào nửa cuối năm nay, Nhiệt điện Mông Dương 2 dự kiến sản xuất 7,6 tỷ kWh điện mỗi năm và sẽ chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 25 năm khai thác.

Việc có tới 3 dự án tỷ USD đi vào hoạt động trong quý I/2015 là tín hiệu tích cực đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Dự báo, giải ngân nguồn vốn này sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Điều này thậm chí không chỉ là dự báo, bởi nguồn tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn cho biết, Dự án 1,4 tỷ USD của Samsung tại TP.HCM đang trong quá trình chuẩn bị để sớm có thể khởi công xây dựng trong thời gian tới. Trong khi đó, bên cạnh nhà máy sản xuất điện thoại 2 tỷ USD vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và tăng công suất, thì hai nhà máy đúc và làm vỏ kim loại vẫn đang được Samsung cấp tập triển khai, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay.

Các dự án quy mô lớn nêu trên sẽ tác động tích cực đến giải ngân vốn FDI trong năm 2015. Đó là chưa kể, hàng loạt dự án FDI quy mô nhỏ và vừa khác, như Dự án IHI Infrastructure Asia ở Hải Phòng (vốn đầu tư 47,7 triệu USD), Dự án Yazaki ở Quảng Ninh (vốn đầu tư 35 triệu USD), Dự án Nhà máy Sản xuất tinh bột biến tính ở Bình Định (vốn đầu tư 68 triệu USD)... cũng vừa chính thức vận hành sản xuất.

Trong khi đó, liên quan việc vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam trong quý I/2015 chỉ đạt 1,8 tỷ USD, bằng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, điều này không đáng ngại.

“Sụt giảm chủ yếu do quý I năm nay, chúng ta chưa có các dự án FDI quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư. Hiện một số dự án quy mô lớn vẫn đang trong quá trình đàm phán”, ông Quang nói và cho biết, chỉ cần một trong số những dự án này được thông qua, thì vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam đã có thể đổi chiều.

Thông tin của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, nhiều khả năng trong quý II/2015, Bình Định sẽ cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, vốn đầu tư tới 22 tỷ USD.

“Chỉ là thiếu các dự án tỷ USD, còn nếu tính về số lượng dự án đầu tư mới và lượt dự án tăng vốn thì vẫn tăng so với năm ngoái. Hơn nữa, nếu xét theo khuynh hướng hiện nay, với việc Việt Nam sẽ tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thì thu hút FDI năm nay sẽ tích cực”, ông Quang nhận định và cho rằng, kết quả thu hút FDI của 3 tháng đầu năm chưa đủ để đánh giá về xu hướng của cả năm.

Nguyên Đức
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục