“Lệnh ông không bằng cồng bà”, gót chân archile trong doanh nghiệp

(ĐTCK) Không ít công ty niêm yết đang phải đối mặt với nhiều thách thức chính từ mô hình quản trị gia đình mà họ áp dụng bấy lâu nay.  
Nếu không xây dựng được hệ thống quản trị công ty tốt, tuổi thọ của doanh nghiệp sẽ khó có thể kéo dài.

Nhân sự quay lưng

Mới đây, Trưởng phòng một công ty niêm yết chia sẻ với người viết lý do làm đơn xin nghỉ việc. Tại doanh nghiệp này, ông chồng đảm nhận ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, còn bà vợ ngồi ghế Phó chủ tịch HĐQT gần như quyết hết mọi việc. Chuyện kế kế hoạch, phương án kinh doanh cấp dưới trình lên được Chủ tịch doanh nghiệp này phê duyệt, nhưng sau đó thành con số 0 vì không qua được “cửa” bà Phó Chủ tịch không phải là chuyện hiếm.

Do thiếu tin tưởng vào đội ngũ nhân viên, lúc nào cũng lo sợ họ trục lợi nên bà Phó Chủ tịch kiểm soát vô cùng khắt khe, thậm chí còn đưa ra những biện pháp “không giống ai” khi yêu cầu bộ phận marketing phải giám sát bộ phận kinh doanh. Trong khi đó, mặt hàng công ty sản xuất đang bị cạnh tranh gắt gao từ hàng Trung Quốc tràn về, cả về giá và chất lượng. Điều này khiến nhân viên trong công ty chán nản, mệt mỏi.

Về mặt quản trị nhân sự, tiếng là doanh nghiệp có quy mô vừa với hơn 500 nhân công nhưng chế độ của Công ty không hề cạnh tranh, thậm chí ở góc độ nào đó còn mang tính hà khắc, chẳng hạn trước đây nhân viên nghỉ phép không được trả lương và rất nhiều hình phạt được thực thi.

Sau hơn 2 tháng làm việc trong môi trường như vậy, vị trưởng phòng cảm thấy không còn hứng thú nào với công việc và quyết định ra đi. Không chỉ bản thân vị này, cùng thời điểm đó, có tới cả chục nhân sự cấp cao khác cũng quyết định dứt áo, trong đó có cả kế toán trưởng công ty…

Ai cũng hiểu doanh nghiệp do vợ chồng vị chủ tịch sáng lập và đang nắm cổ phần chi phối, tiền của họ bỏ ra nên “của đau con xót”, nhưng ngay bản thân những cộng sự của vợ chồng vị chủ tịch nọ cũng lo ngại, nếu họ không sớm thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, doanh nghiệp sẽ đi lùi và sớm thất bại. Trước đây, môi trường kinh doanh hoàn toàn khác, doanh nghiệp chủ yếu làm thương mại, nhập hàng về bán. Nay doanh nghiệp đã đổi vai trò trở thành nhà sản xuất, nếu vẫn giữ cung cách quản trị như vậy, thất bại là điều có thể nhìn thấy trước.

Câu chuyện của doanh nghiệp trên không phải là cá biệt. Tại rất nhiều doanh nghiệp Việt khác, vẫn tồn tại tình trạng “lệnh ông không bằng cồng bà”, thậm chí những khoản chi nhỏ cũng phải được bà vợ chủ tịch duyệt chi. Những cung cách quản trị như vậy khiến quyền chủ động, sáng tạo của nhân sự bị hạn chế, dẫn đến tình trạng nhảy việc, nhân sự không có động lực gắn bó và phát triển dài hạn với doanh nghiệp.

Lời giải cho doanh nghiệp trên là gì? Đó có thể là quyết định táo bạo thuê một giám đốc điều hành giỏi. Nhưng để làm được điều trên, thực sự không phải chuyện đơn giản với vợ chồng vị doanh nhân.

Nếu không xây dựng được hệ thống quản trị công ty tốt, tuổi thọ của doanh nghiệp sẽ khó có thể kéo dài. Đây không phải là thách thức của các công ty gia đình Việt Nam mà còn là căn bệnh chung của nhiều công ty gia đình trên thế giới. Theo thống kê của Fortune 500, có rất nhiều công ty gia đình thành công và lọt vào bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng thu nhập mỗi công ty. Tuy nhiên, thực tế thì đại đa số (95%) các công ty gia đình đều suy giảm mạnh sau thế hệ thứ ba. Bí quyết thành công của 5% doanh nghiệp còn lại là gì? Câu trả lời đơn giản là nằm ở việc xây dựng được một “hệ thống quản trị công ty tốt”.

Hầu hết các công ty gia đình bắt đầu với một người đặt nền móng - sáng lập kiêm luôn việc quản trị, là chủ sở hữu toàn quyền và là người điều hành doanh nghiệp. Sáng lập viên của công ty gia đình thường giữ toàn quyền ra quyết định mọi vấn đề của công ty. 

Các công ty gia đình do ít người kiểm soát, không phải chịu sức ép từ bên ngoài và thiếu cơ chế phản biện hợp lý nên có nguy cơ trì trệ về mặt tổ chức và chiến lược kinh doanh không phù hợp thực tiễn thị trường. Một công ty gia đình phát triển sẽ ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi phải có cơ cấu tổ chức và quản trị chuẩn mực hơn. Khi doanh nghiệp gia đình trở thành một công ty cổ phần, cần có một hội đồng quản trị chuyên nghiệp để có thể hoạch định chiến lược và kiểm soát hiệu quả hoạt động của bộ máy điều hành công ty. 

Thông lệ tốt từ các công ty gia đình lớn

Quản trị công ty tốt là yếu tố quyết định thành công dài hạn của các công ty gia đình. Kinh nghiệm các công ty gia đình thành công ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, ở các công ty này có sự tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, thừa nhận vai trò của một hội đồng quản trị độc lập; đồng thời, xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sở hữu với hội đồng quản trị và bộ máy điều hành.

 Ngoài ra, có thể thấy một số yếu tố quyết định sự thành công của công ty gia đình, đó là: hội đồng quản trị giỏi và ban điều hành chuyên nghiệp. Hội đồng quản trị và ban điều hành chuyên nghiệp này có trách nhiệm chính là xây dựng những quy định mà các thành viên trong công ty phải tuân theo và không có quyền thay đổi, ngay kể cả những nhân sự chủ chốt, để có thể phân tán rủi ro và quản lý hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Theo bà Ann Molyneux, Chuyên gia quản trị của IFC, trong các công ty gia đình, các thành viên gia đình thường đảm nhiệm nhiều vai trò: lúc thì là chủ sở hữu, lúc lại là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, vị trí của mỗi thành viên cần được xác định rõ ràng để tránh những nhầm lẫn hay tranh chấp, đó là chiến lược, kế hoạch hay thực thi hành động.

Những thành viên trong gia đình mà tham gia vào hoạt động của công ty cần phải nhận thức được rằng họ phải là những chuyên gia xuất sắc trong quản trị doanh nghiệp. Ngay cả khi gia đình nắm giữ tất cả cổ phần trong công ty, hội đồng quản trị vẫn có thể bao gồm các thành viên không thuộc gia đình.

Một số công ty gia đình thành công đã tự đưa ra quy định rằng trong hội đồng quản trị và ban điều hành, chỉ có tối đa 30 - 50% số ghế thuộc về các thành viên trong gia đình. Một công ty gia đình thành công khác đã thành lập một ban độc lập chuyên đề cử và bầu chọn 1/3 số thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành với phương châm là phải thuê được những người giỏi nhất.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị về việc xây dựng một quy chế nghiêm túc, được viết thành văn bản một cách rõ ràng để điều tiết hành vi của từng thành viên trong gia đình mà tham gia vào công việc kinh doanh của công ty. Công khai việc phân chia quyền sở hữu, thẩm quyền quyết định trong kinh doanh với sự đồng ý của đa số các thành viên trong gia đình.

Minh Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục