Lệnh cấm vận tiếp theo với dầu mỏ từ Nga có thể gây ra xáo trộn nhiều hơn cho thị trường năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Châu Âu một lần nữa đang sẵn sàng gia tăng áp lực lên nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Nhưng một số nhà phân tích năng lượng lo lắng rằng, các biện pháp được đề xuất có thể gây ra “sự xáo trộn thị trường đáng kể”.
Lệnh cấm vận tiếp theo với dầu mỏ từ Nga có thể gây ra xáo trộn nhiều hơn cho thị trường năng lượng

Lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023, đúng hai tháng sau khi phương Tây thực hiện bước quan trọng nhất cho đến nay nhằm cắt giảm doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.

G7 đã thực hiện cơ chế trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga vào ngày 5/12/2022. Điều này xảy ra cùng với lệnh cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga của EU, cũng như các lệnh cấm tương ứng của các quốc gia G7 khác.

Theo đó, các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga sẽ phức tạp hơn và rắc rối hơn so với những gì đã xảy ra trước đây. Các hạn chế đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, trong khi các biện pháp nhắm vào các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga sẽ được áp dụng từ ngày 5/2/2023.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cảnh báo rằng, lệnh cấm sắp xảy ra của EU “có thể sẽ có tác động gây rối hơn so với các lệnh trừng phạt nhập khẩu dầu thô trước đây của EU”.

Những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung hơn nữa đang xuất hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán liên quan đến việc tăng trần giá dầu. EU và các đồng minh G7 được cho là đang xem xét mức trần giá 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần giá 45 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu nhiên liệu và dầu bôi trơn công nghiệp.

Các ngưỡng trần giá cũng dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2, mặc dù các số liệu có thể thay đổi trong các cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên và các đồng minh của EU.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên đang diễn ra nhưng từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết: “Nếu mức trần giá mới được giới thiệu, nó sẽ diễn ra vào phút cuối, và có khả năng tạo ra nhiều sự nhầm lẫn hơn trên thị trường”.

Trung Quốc và Ấn Độ

Matthew Sherwood, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ có một số gián đoạn, đặc biệt là ngay sau lệnh cấm khi các thị trường EU tiếp tục sắp xếp các nguồn cung cấp thay thế. Chúng tôi cũng cho rằng điều này sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ nói chung”.

Các nhà phân tích tại EIU dự đoán rằng, sẽ có một số thay đổi đối với dòng chảy của dầu. Nga sẽ vận chuyển nhiều dầu hơn đến Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, trong khi châu Âu tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ.

Và điều này có thể sẽ làm tăng chi phí vận chuyển.

Các nhà phân tích năng lượng đã hoài nghi về tác động của mức trần giá của G7 đối với dầu mỏ của Nga, đặc biệt là khi Nga đã có thể định tuyến lại phần lớn các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển của châu Âu sang các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

EU đã kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc hỗ trợ cơ chế giá trần đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu của Ấn Độ vào tháng 12/2022 đã tăng lên mức kỷ lục trong 5 tháng khi nước này tích cực tăng cường mua dầu thô của Nga, trong khi Trung Quốc được xem là khách hàng lớn thứ hai mua dầu Urals của Nga trong tháng 1/2023.

Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao tại PVM Oil Associates cho biết: “Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga sau hai tháng cấm vận của Liên minh châu Âu đã không nghiêm trọng như một số người dự đoán”.

Bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi Reuters báo cáo rằng lượng dầu từ các cảng Baltic của Nga đã tăng 50% trong tháng 1/2023 so với tháng 12/2022. “Không tệ đối với quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới”, ông cho biết.

“Tuy nhiên, số phận tương tự có thể không diễn ra đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Trung Quốc và Ấn Độ là cứu cánh cho xuất khẩu dầu thô của Nga nhờ năng lực lọc dầu lớn của họ. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là họ sẽ tiếp tục sử dụng dầu thô nhập khẩu giá rẻ và xử lý trong nước thay vì mua dầu tinh chế”, ông cho biết.

Các vấn đề vận chuyển và giá cả là những mối quan tâm chính khi đề cập tới lệnh cấm của EU đối với xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga. Khi những thách thức này được tính đến, các nhà phân tích tại Eurasia Group tin rằng, lệnh cấm sản phẩm có thể có tác động thậm chí còn lớn hơn đối với thị trường so với lệnh cấm vận dầu thô trước đó.

Trong khi đó, việc vận chuyển các sản phẩm dầu của Nga bằng đường biển được cho là khó khăn hơn vì các tàu chở dầu phải được làm sạch khi chuyển từ chở nhiên liệu này sang nhiên liệu khác, chẳng hạn như từ xăng sang dầu nhờn. Nó cũng đòi hỏi nhiều tàu hơn so với lĩnh vực dầu thô vì tàu chở nhiên liệu nhỏ hơn tàu chở dầu thô.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết: “Điều này sẽ tạo ra những thách thức về hậu cần và chi phí vận chuyển cao hơn nếu Nga tìm cách chuyển hướng dòng sản phẩm sang châu Á, như họ đã làm với dầu thô”.

Có khả năng gây ra sự thiếu hụt

Nga đã trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách cấm bán dầu cho các quốc gia tuân thủ cơ chế trần giá.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov trước đây cho biết, việc phương Tây áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ không ảnh hưởng đến khả năng duy trì “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

“Một khi lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu nhiên liệu đường biển của Nga có hiệu lực, chúng ta có thể thấy giá xăng và đặc biệt là dầu diesel vẫn được hỗ trợ bằng cách thắt chặt nguồn cung, đặc biệt là khi lệnh cấm vận được theo sau bởi mức trần giá 100 USD/thùng đối với dầu diesel,” Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết.

“Tuy nhiên, Nga có thể gặp khó khăn trong việc vận chuyển dầu diesel cho những người mua khác, khi các khách hàng chính ở châu Á lại quan tâm nhiều hơn đến dầu thô chiết khấu cao của Nga, sau đó có thể biến thành các sản phẩm nhiên liệu bán theo giá thị trường toàn cầu hiện hành”, ông cho biết.

Trong khi đó, việc cung cấp dầu diesel cho châu Âu từ Mỹ và Trung Đông có thể bù đắp một số dầu bị thiếu từ Nga, “nhưng có vẻ như sẽ thiếu hụt”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục