Lệnh cấm vận của châu Âu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất khẩu của Nga ở những nơi khác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực, động thái này dự kiến sẽ làm phức tạp thêm hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.
Lệnh cấm vận của châu Âu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất khẩu của Nga ở những nơi khác

Lệnh cấm vận đã buộc Nga phải chuyển hướng nhiều chuyến hàng sang châu Á hơn trong nỗ lực bù đắp cho sự mất mát sắp xảy ra đối với khách hàng lớn nhất của Nga là châu Âu.

Điều đó có nghĩa là một loạt các gián đoạn tiềm ẩn từ các tuyến vận chuyển dài hơn và nhu cầu tàu chở dầu trở nên thắt chặt dẫn đến chi phí vận chuyển và giá dầu thô cao hơn. Những rủi ro như vậy đã buộc Nga phải tìm kiếm các tuyến đường ngắn hơn qua Vòng Bắc Cực (Arctic Circle) để vận chuyển dầu đến châu Á.

Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/12 và sẽ cấm các tàu chở dầu của EU vận chuyển, bảo hiểm và tài trợ cho các chuyến hàng dầu của Nga, do đó việc giao hàng cho những người mua thay thế ở Ấn Độ có thể mất thời gian lâu hơn nhiều.

Nga chuyển hướng dầu sang châu Á

Nga đang cố gắng tìm người mua thay thế sau khi các chuyến hàng dầu thô đến Bắc Âu giảm 92% trong 4 tuần tính đến ngày 18/11, động thái báo hiệu các nhà nhập khẩu châu Âu đã giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga.

Để bù đắp cho sản lượng bị sụt giảm, Nga hiện đang xuất khẩu sản lượng kỷ lục sang các quốc gia châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc. Nga đã vượt qua Ả Rập Xê Út và Iraq để trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Ấn Độ, trong khi xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc tăng 22% so với cùng kỳ trong tháng 9.

Viktor Katona, nhà phân tích của Kpler cho biết: “Một điều mà chúng ta có thể gần như chắc chắn là việc Nga xoay trục sang châu Á sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Một khi Nga không còn được phép vận chuyển dầu thô của mình vào Địa Trung Hải, thì dòng chảy dầu sang châu Á sẽ chỉ lớn hơn”.

Các tuyến đường vận chuyển dài hơn

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào người mua châu Á đồng nghĩa với việc Nga phải điều chỉnh lại tuyến đường vận chuyển. Các chuyến hàng dầu hướng tới Ấn Độ và Trung Quốc phải đi xa hơn hàng ngàn dặm so với hành trình thông thường tới châu Âu.

"Với việc xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của Nga sang châu Á nhiều hơn, chiều dài chuyến đi trung bình chắc chắn sẽ tăng lên. Trong khi chuyến đi từ Baltic-Rotterdam của Nga mất khoảng 6-7 ngày, thì chuyến đi từ cùng một cảng của Nga đến Ấn Độ sẽ là 35-40 ngày”, nhà phân tích Viktor Katona cho biết.

Nhu cầu tàu chở dầu tăng

Điều đó cũng sẽ khiến nhu cầu đối với tàu chở dầu tầm xa tăng lên, nhưng có thể hạn chế khả năng sẵn có của những tàu lớn và gây ra nhiều rào cản hậu cần hơn cho Nga.

Anders Redigh Karlsen, nhà phân tích tại Kepler Cheuvreux cho biết: “Khoảng cách có thể dễ dàng lên tới 5 đến 6 lần và điều đó có nghĩa là sẽ cần nhiều tàu hơn để vận chuyển cùng một khối lượng để nhập khẩu trước đây. Điều đó sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với tàu chở dầu”.

Những tác động của nhu cầu tàu chở dầu thắt chặt đã được cảm nhận trong ngành thông qua giá cước vận tải tăng. Bloomberg đã báo cáo rằng chi phí vận chuyển dầu trên tuyến thương mại tiêu chuẩn của ngành vận tải đã vượt 100.000 USD/ngày vào đầu tuần này, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Những thách thức như vậy đã thúc đẩy Nga tìm kiếm các tuyến vận chuyển ngắn hơn đến châu Á. Đầu tuần này, Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi "sức mạnh Bắc Cực" của đất nước với việc hạ thủy hai tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ mang lại lợi ích cho thương mại với châu Á.

Chỉ trong tháng này, Nga đã gửi một tàu chở dầu phá băng đến Trung Quốc qua Vòng Bắc Cực, tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu tới Đông Á.

Mặt khác, giá dầu thô đã giảm trong 5 tháng qua do lo ngại suy thoái kinh tế và chính sách Covid-19 của Trung Quốc đè nặng lên nhu cầu, bất kể OPEC+ đã cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá. Kể từ giữa tháng 10 khi OPEC+ đưa ra thông báo về cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent đã giảm khoảng 9%.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục