Lên lịch đào tạo chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) Với việc Bộ Tài chính chốt thời điểm triển khai TTCK phái sinh vào quý III - IV/2016, các công việc chuẩn bị cho mở cửa thị trường này, trong đó có hoạt động đào tạo cho đội ngũ nhân sự hành nghề cũng như công chúng đầu tư, đang ở vào giai đoạn nước rút.
Từ tháng 8 - 11/2015, SRTC sẽ mở 4 khóa đào tạo về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh Từ tháng 8 - 11/2015, SRTC sẽ mở 4 khóa đào tạo về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh

Đào tạo đội ngũ hành nghề

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phái sinh từ quý III/2015.

Là đơn vị được UBCK giao tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phái sinh, ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) cho biết, đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị như: đội ngũ giáo viên, xây dựng hệ thống giáo trình, quy trình sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề… đã hoàn tất và sẵn sàng triển khai các khóa đào tạo.

Trong kế hoạch đào tạo các khóa học cấp chứng chỉ trong năm 2015 của SRTC, dự kiến bắt đầu từ tháng 8 này đến đầu tháng 9 tới, sẽ mở lớp đào tạo về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Hai khóa đào tạo có nội dung tương tự sẽ được SRTC khai giảng trong tháng 10 và tháng 11/2015.

Với vai trò là đầu mối được giao nhiệm vụ đào tạo cho cả đội ngũ hành nghề (NĐT tổ chức) lẫn công chúng đầu tư (NĐT cá nhân), ông Jay Keun Lee, Giám đốc Văn phòng dịch vụ phái sinh, Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) chia sẻ kinh nghiệm của KOFIA trong triển khai đào tạo đội ngũ hành nghề chứng khoán phái sinh. Theo đó, các khóa đào tạo được thiết kế gồm hai nội dung chính: giáo dục đạo đức hành nghề và đào tạo chuyên môn. Trong cơ cấu tổ chức đào tạo của KOFIA có hai bộ phận riêng biệt gồm: chuyên đào tạo cấp chứng chỉ cho người hành nghề, bộ phận còn lại chuyên tổ chức các khóa đào tạo cho NĐT.

“Cơ cấu tổ chức, cũng như nội dung đào tạo được thiết kế như trên mang lại kết quả tốt. Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình triển khai các khóa đào tạo cho đội ngũ hành nghề, cũng như NĐT trong thời gian tới”, ông Jay Keun Lee khuyến nghị. 

Tiến tới đào tạo công chúng đầu tư

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, song song với chuẩn bị triển khai các khóa đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân sự các tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCK cần phối hợp với các hiệp hội, thành viên thị trường cùng xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức về chứng khoán phái sinh tới công chúng đầu tư.

Từ định hướng trên, ông Hùng cho biết, SRTC cũng đã sẵn sàng mở các khóa đào tạo cho công chúng đầu tư khi họ có nhu cầu.

Tuy nhiên, việc triển khai TTCK phái sinh, cũng như đào tạo công chúng đầu tư tham gia thị trường này quá mới, nên theo lãnh đạo UBCK, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đi trước.

“Theo quy định của Luật Thị trường vốn Hàn Quốc, NĐT cá nhân muốn tham gia đầu tư trên TTCK phái sinh, ngoài phải bắt buộc trải qua các khóa đào tạo lý thuyết, còn phải thực hành mô phỏng giao dịch. Cụ thể, họ phải trải qua 30 giờ đào tạo lý thuyết và 50 giờ thực hiện mô phỏng giao dịch”, ông Jay Keun Lee chia sẻ và cho biết, các công ty cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh phải kiểm tra tính hợp lệ của NĐT hoặc chứng chỉ đào tạo mà KOFIA hay Sở GDCK Hàn Quốc cấp cho NĐT. Một NĐT nhận được tư vấn đầu tư từ một công ty được cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ về chứng khoán phái sinh, thì được miễn học và thực hành mô phỏng giao dịch.

Thực tiễn đào tạo, phổ cập kiến thức cho công chúng đầu tư ở Việt Nam cho thấy, ngoài hình thức đào tạo qua trường lớp, việc tăng cường triển khai các kênh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc thông qua các hội thảo có vai trò quan trọng trong góp phần nâng cao nhận thức, cũng như kỹ năng tham gia thị trường cho công chúng đầu tư.

Từ thực tế này, tiếp sau Hội thảo về xây dựng năng lực tổ chức TTCK phái sinh cuối tháng 7 vừa qua, ngày 24/8 tới, UBCK sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) tổ chức Hội thảo vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam. Ngoài phần chia sẻ kinh nghiệm triển khai, vận hành TTCK phái sinh, các sản phẩm phái sinh trên thị trường tài chính quốc tế của các chuyên gia trong và ngoài nước, tại hội thảo này, đại diện các CTCK, công ty quản lý quỹ sẽ chia sẻ quá trình chuẩn bị tham gia TTCK phái sinh về thiết kế sản phẩm, dịch vụ; kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân sự hành nghề, cũng như công chúng đầu tư.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục