Lên kế hoạch thoái vốn tại DAP – Vinachem

0:00 / 0:00
0:00

Kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi Công ty cổ phần DAP-Vinachem đang được bàn thảo thay vì chỉ xác định có đưa Dự án Nhà máy DAP-Vinachem khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Vào tháng 5/2020, Vinachem đã đề xuất phương án thoái toàn bộ 64% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem. Vào tháng 5/2020, Vinachem đã đề xuất phương án thoái toàn bộ 64% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem.

Đã đến lúc

Kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem nhiều khả năng sẽ được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 11/2020.

Kế hoạch này đang được CMSC và Vinachem bàn thảo rốt ráo sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi CMSC thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vào cuối tháng 10/2020.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Ủy ban theo thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển nhượng vốn của Vinachem tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem theo quy định của pháp luật, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thông tin này, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch CMSC cho biết, kế hoạch này đã được xem xét cẩn trọng trong quá trình đánh giá kết quả xử lý Dự án này và đây là thời điểm phù hợp để đề xuất thoái vốn.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy nhanh đề xuất này, một mặt để giải quyết nhu cầu về vốn của Vinachem và mặt khác, nỗ lực tái cơ cấu Dự án theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã có kết quả, cần phải có các bước đi tiếp theo phù hợp”, ông Hùng nói.

Có nghĩa là, thay vì chỉ đề nghị đưa Dự án Nhà máy DAP - Vinachem ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương tại Quyết định 1468/QĐ-2017/QĐ-TTg, vốn đã được nhắc tới liên tục từ năm 2019, CMSC sẽ đề xuất phương án thoái vốn của Vinachem tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem.

Thoái vốn theo phương án nào?

Vào tháng 5/2020, Vinachem đã đề xuất phương án thoái toàn bộ 64% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem ngay sau khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty có lãi phát sinh và hết lỗ lũy kế, dự kiến sau năm 2023. Vì theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 do Công ty cổ phần DAP - Vinachem xây dựng, thì dự kiến lỗ lũy kế sẽ hết vào năm 2023.

Song, Vinachem cũng thừa nhận khó khăn khi thực hiện phương án này là đang không đủ cân đối nguồn trả nợ vay Dự án Đạm Ninh Bình. Mặt khác, dự báo do các yếu tố thị trường, giá DAP biến động bất thường sẽ tác động lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DAP - Vinachem...

Khi đó, phương án thoái vốn ngay trong năm 2020 cũng đã được cân nhắc, dù Công ty cổ phần DAP - Vinachem còn lỗ, nhưng đã hoạt động có hiệu quả.

Phương án giả định là được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Vinachem thoái vốn thành công với mức giá tư vấn tại thời điểm tháng 7/2019 là 16.218 đồng/cổ phần (xác định theo phương pháp tài sản), thì khả năng lợi nhuận đạt được là 588 tỷ đồng. Trong trường hợp này, Vinachem sẽ có nguồn tiền cân đối nguồn vốn trả nợ vay Dự án Đạm Ninh Bình...

Tuy nhiên, phương án này khó thực hiện được ngay trong năm 2020 vì phải tuân thủ các bước theo quy định của pháp luật, nên thời gian thực hiện đấu giá nhiều khả năng là phải tới quý II/2021... Đó là chưa kể mức giá cổ phiếu DDV của DAP - Vinachem chỉ quanh mức 6.000 đồng/cổ phiếu.

Tháng 7/2020, khi báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem, CMSC đã có 2 đề xuất.

Một là, đưa Dự án Nhà máy DAP - Vinachem ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Hai là, Hội đồng Thành viên Vinachem chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án và lộ trình thoái vốn tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem theo quy định, ngay sau khi Dự án Nhà máy DAP - Vinachem được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Thời gian thực hiện thoái vốn của Vinachem tại Công ty cổ phần DAP - Vinachem do HĐTV Vinachem quyết định theo thẩm quyền, lộ trình được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng phải nói thêm, do ảnh hưởng của Covid-19, nên hoạt động kinh doanh của DAP - Vinachem bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 được công bố, doanh thu DAP - Vinachem đạt 669 tỷ đồng, giảm 8,74% so với cùng kỳ. Công ty cũng ghi nhận lỗ hơn 33 tỷ đồng, so với mức lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý III/2020 đã khá hơn và DAP - Vinachem đang được kỳ vọng kết quả cả năm sẽ khả quan hơn.

Trong danh sách cổ đông lớn của Công ty cổ phần DAP - Vinachem, chủ đầu tư Dự án Nhà máy DAP - Vinachem, vừa xuất hiện một cái tên mới tinh. Công ty cổ phần Mua bán nợ Thế hệ mới đã chính thức sở hữu 6,84% tổng số cổ phần sau khi đã hoàn tất mua 10 triệu cổ phiếu DDV cách đây hơn một tuần.

Cùng thời điểm này, cổ đông lớn của DAP - Vinachem là Công ty cổ phần Thiết bị điện GELEX đã hoàn tất bán hơn 7 triệu cổ phiếu, giảm mức sở hữu từ 17,21%, xuống còn 12,38%, sau khi liên tục mua vào cổ phiếu DDV vào tháng 3/2020.

Như vậy, tính tới thời điểm này, Công ty cổ phần Mua bán nợ Thế hệ mới đã trở thành một trong 3 cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần DAP - Vinachem, cùng với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem, đang nắm 64% tổng vốn điều lệ) và GELEX.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục