Nợ xấu của khối DNNN chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Mù mờ như… nợ xấu của DNNN
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hết năm 2012, tổng nợ phải trả của các DNNN lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của một số tập đoàn, tổng công ty vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao…
Tại rất nhiều diễn đàn, một loạt câu hỏi luôn được nêu ra, nhưng các chuyên gia, cũng như người dân với tư cách là chủ sở hữu các DNNN vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng là đến nay, nợ xấu của các DNNN chính xác là bao nhiêu; chiếm tỷ lệ như thế nào trong tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng; DNNN nào có nợ xấu lớn nhất; ngân hàng nào có tỷ trọng nợ xấu ở DNNN cao nhất…?
Tuy con số nợ xấu của các DNNN chưa được công bố, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ xấu của khối DNNN chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Khoản nợ xấu này luôn “khó nói” với cả DNNN, lẫn ngân hàng và cả cơ quan quản lý, bởi việc cho DNNN vay hiện còn không ít biểu hiện thiếu minh bạch.
Vì tình trạng khó nói trên mà theo ông Doanh sẽ là thách thức không nhỏ cho Bộ Tài chính trong quá trình chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2013 phương án xử lý nợ xấu của các DNNN theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Lý do là bởi, muốn đề xuất được các giải pháp xử lý nợ xấu của khối DNNN hiệu quả, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định và minh bạch được tổng số nợ xấu của các DNNN; xác định được cụ thể ai là chủ và khách nợ; trong tổng số các khoản nợ xấu, thì chiếm tỷ lệ bao nhiêu là có nguy cơ mất vốn, trách nhiệm thuộc về ai…?
Với khối DNNN, làm thế nào để xử lý nợ xấu hiệu quả, cũng như khắc phục tình trạng chậm trễ trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đang là hai bài toán khó đặt ra cho các cơ quan quản lý. Nếu nút thắt nợ xấu sớm được xử lý hiệu quả, sẽ tạo ra hàng loạt các hiệu ứng tích cực: giúp các tổ chức tín dụng giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu; ngân hàng có thêm nguồn lực, khơi thông dòng vốn cho các DN…
Lên kế hoạch xử lý
Để xây dựng phương án xử lý nợ xấu của các DNNN như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang lên kế hoạch triển khai một loạt công việc liên quan. Đầu tiên là yêu cầu tất cả các DNNN gửi đầy đủ báo cáo tài chính, cũng như tổng hợp tình hình nợ xấu về Bộ, để có cơ sở cập nhật thực trạng nợ xấu của các DNNN. Các thông tin này sẽ được đối chiếu, so sánh với cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý liên quan, để nhận diện đầy đủ hơn về bức tranh nợ xấu của các DNNN. Việc làm rõ tính chất của các khoản nợ xấu sẽ là căn cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp xử lý nợ xấu khả thi.
Bộ Tài chính phấn đấu trong quý III/2013 sẽ cơ bản hoàn thành phương án xử lý nợ xấu của các DNNN, để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi hoàn tất trong năm nay, kịp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Ngoài ra, để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong xử lý nợ xấu của khối DNNN, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và của DNNN, để trong năm nay trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để tháo gỡ những bất cập bộc lộc trong xử lý nợ xấu của các DNNN thời gian qua, nhất là tình trạng chưa làm rõ trách nhiệm của ban điều hành DNNN, Bộ Tài chính cũng đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 69/2002/NĐ-CP về xử lý nợ tồn đọng đối với các DNNN, theo hướng tăng cường trách nhiệm của ban lãnh đạo DNNN trong việc quản lý nợ, xử lý kịp thời nợ xấu. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phải trình dự thảo Nghị định để Chính phủ ban hành trong năm 2013.