Năm thứ ba liên tiếp không thể tổ chức lễ hội trà, nhưng người làm trà Tân Cương, vùng trà đặc sản của Thái Nguyên, đã bớt sợ Covid-19, để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
Những năm Covid-19 chưa xuất hiện, Tết đến, vừa vui Xuân các làng nghề truyền thống của vùng trà Tân Cương (gồm xã Tân Cương và một số xã lân cận như Phúc Trìu, Phúc Xuân) vừa lo cắt cử nhân lực và tích cực chuẩn bị để tham gia lễ hội trà xuân.
Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm, tại không gian văn hóa Trà (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Được xây dựng nhân dịp Thái Nguyên tổ chức Festival trà quốc tế đầu tiên năm 2011, không gian văn hoá trà Tân Cương ( xóm Soi Vàng, xã Tân Cương) không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu và hiện vật liên quan đến trà mà còn là không gian đặc biệt đón tiếp khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của trà Thái.
Khi Lễ hội trà xuân Tân cương được tổ chức, không gian này vô cùng sống động bởi cuộc thi sao chè theo cách truyền thống (bếp củi, chảo gang), thi cây chè cổ, thi pha trà....và các gian hàng vừa phảng phất nét xưa với các cô thôn nữ xinh đẹp, vừa khéo léo quảng cáo cho sản phẩm được mệnh danh đệ nhất danh trà - trà Tân Cương.
Ở không gian ấy, trong mưa xuân nhè nhẹ, du khách có thể được chứng kiến toàn bộ quá trình chế biến từ búp chè tươi ra sản phẩm trà khô, từ sao héo - vò cho búp chè xoăn lại - lại sao - lại vò - sàng xảy - lấy hương, rồi thưởng thức luôn chén trà mới còn hơi vấn vương mùi khói ấy.
Nếu soi kỹ về tiêu chuẩn chất lượng, thì sản phẩm trà ấy chưa hẳn là tuyệt hảo. Nhưng câu chuyện bên các bà các chị, những người quanh năm vất vả với cây chè, nay xúng xính áo quần đi hội, vừa thoăn thoắt sao chè vừa chia sẻ chuyện xóm, chuyện làng, dường như làm cho chén trà ở chính không gian ấy thơm hơn, đượm hơn.
Nhưng, đó đã là quá khứ. Ba năm liên tục, để phòng chống dịch Covid-19, không gian văn hoá trà Tân Cương cũng vắng lặng.
Bình thường thì thứ Bảy, Chủ nhật khách tham quan cũng đến nhiều, từ khi có Covid-19 thì chả có ai đến nữa, anh Trần Văn Thắng, nghệ nhân làng chè, nhà sát nơi tổ chức lễ hội cho biết.
Thế công việc sản xuất, kinh doanh chè năm qua có bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều không anh?
Nhìn chung trà chất lượng cao tiêu thụ trong nước vẫn tốt, chỉ có phân khúc trà vừa thường xuất sang Trung Quốc thì bị ảnh hưởng khá nặng nề, anh Thắng trao đổi.
"Hồi đầu năm cứ nghe xóm nào có người mắc Covid-19 là không ai muốn đến, tâm lý rất sợ, bây giờ cũng bớt rồi, xã cũng có mấy người mắc Covid-19 nhưng ai mắc thì đi cách ly, còn lại việc ai nấy làm", anh Thắng chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, vì tâm lý "nhỡ cuối năm mình mắc Covid-19" không ai đến mua hàng thì sao, nên một số gia đình đã giảm sản lượng trà bán vào dịp Tết này.
Là vùng đất có thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt để phát triển cây chè trung du, Tân Cương được mệnh danh là đệ nhất danh trà, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả trên thế giới. Nhưng xã Tân Cương chỉ có khoảng 400 ha chè, cộng cả diện tích của hai xã lân cận nằm trong vùng trà Tân Cương thì cũng chỉ hơn 1.000 ha, tức là sản lượng trà búp khô đâu đó vài ngàn tấn mỗi năm. Song, từ Bắc vô Nam, đâu đâu sản phẩm "trà Tân Cương' cũng được bày bán. Vì thế, có khi đến tận Thái Nguyên, người không sành trà cũng chưa chắc đã thưởng thức được trà Tân Cương chính hiệu.
Nói về thu nhập, khi chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ở những gia đình có tay nghề cao, mỗi ha vùng chè Tân Cương đã có thể đạt đến 600-800 triệu đồng. Nhiều hộ đã làm nhà khang trang, mua xế hộp loại sang từ nghề làm chè. Nhưng đất không thể đẻ thêm, vì thế, vài năm nay, không chỉ đầu tư trồng và chế biến trà chất lượng cao giá từ dăm bảy trăm đến bốn, năm triệu 1kg, một số gia đình đã quan tâm đến không gian giới thiệu sản phẩm dành cho khách tham quan đến tận xưởng của gia đình, kết hợp sản xuất chè với du lịch sinh thái. Đến đây, du khách sẽ được tận tay lựa gói trà Tân Cương chính hiệu về tặng bạn bè, người thân, được biết vì sao trà ở đây lại chát êm, ngọt hậu đượm đà, hương thơm quyến rũ đến vậy.
Khi sản xuất trà hướng đến kết hợp làm du lịch, một lễ hội trà xuân độc đáo có thể cũng là cầu nối hiệu quả, cần được nghĩ đến trong điều kiện thích ứng an toàn, vừa chống dịch vừa lo phục hồi kinh tế.