Sở hữu phân tán, khó tổ chức đại hội
Tính tới thời điểm này, có ít nhất hai doanh nghiệp không thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, do lượng nhà đầu tư tham dự không đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Luật Doanh nghiệp. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) và Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG).
Theo quy định tại Điều 145, Luật Doanh nghiệp 2020, “cuộc họp Đại hội đồng cổ đông công ty sẽ tiến hành khi có số cổ đông tham dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể sẽ do Điều lệ của công ty quy định”. Điều lệ của hai doanh nghiệp này cũng có quy định tương tự về các điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông.
Trong lần triệu tập đại hội đồng cổ đông của CII vào ngày 25/4/2022, chỉ có 73 đại biểu, đại diện cho 58,48 triệu cổ phiếu, tương đương 23,85% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, nên đại hội đã không tổ chức được.
Tại đại hội đồng cổ đông LDG diễn ra vào ngày 15/4/2022, chỉ có 669 cổ đông, đại diện cho 29,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và cũng không thể tổ chức đại hội.
Việc không gom đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự để tổ chức đại hội trong lần triệu tập thứ nhất xuất phát từ việc sở hữu của các doanh nghiệp trên quá phân tán, không có nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ chi phối doanh nghiệp.
Một năm trước, CII đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 thành công trong lần triệu tập đầu tiên. Dù trong lần đó, số đại biểu tham dự là 63, ít hơn so với kỳ đại hội năm nay, song lại đại diện cho 54,59% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trong khi đó, tại LDG, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm trước, lần triệu tập thứ nhất vào ngày 15/4/2021, 111 cổ đông tham dự, đại diện cho 91 triệu cổ phần, tương đương 38,02% tổng lượng cổ phần có quyền biểu quyết. Trong lần triệu tập thứ hai vào ngày 30/6/2021, có 361 cổ đông, đại diện 88,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 36,83% tổng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và đủ điều kiện tổ chức đại hội.
Việc số cổ đông tham dự đại hội năm nay nhiều hơn hẳn so với con số cổ đông năm ngoái song đại diện cho lượng cổ phần thấp hơn xuất phát từ việc tỷ lệ sở hữu của hai doanh nghiệp này ngày càng phân tán.
Hệ lụy khi cổ đông nội bộ tranh thủ chốt lời
Thực tế cho thấy, thay vì giữ một tỷ lệ đủ chi phối như ở nhiều doanh nghiệp khác, ban lãnh đạo CII và LDG lại tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán để dồn dập bán ra cổ phiếu.
Cụ thể, tại LDG, chỉ trong giai đoạn từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2021, ban lãnh đạo đã bán ra hơn 3,18 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 1,3% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán ra 3 triệu cổ phiếu.
Trùng hợp là động thái bán ra của lãnh đạo LDG diễn ra trong giai đoạn cổ phiếu này có sóng tăng mạnh. Cụ thể, từ ngày 27/9/2021 đến 7/1/2022, LDG tăng từ 6.850 đồng/cổ phiếu lên 27.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 300%. Sau đó, thị giá cổ phiếu bắt đầu giảm mạnh, tính tới ngày 4/5/2022 chỉ còn 14.400 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, tại CII, trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2021, lãnh đạo Công ty và tổ chức liên quan đã bán ra 8,86 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,5% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Trong đó, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị bán ra 393.000 cổ phiếu; Quỹ VIAC (No.1) Limited Partnership, tổ chức liên quan đến ông Nguyễn Hồng Sơn, thành viên Hội đồng quản trị bán ra 8 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Mai Hương, Kế toán trưởng bán ra 290.900 cổ phiếu…
Bối cảnh bán ra của lãnh đạo CII là khi cổ phiếu trải qua chuỗi tăng nóng với cơn sốt giá đất Thủ Thiêm. Cụ thể, từ ngày 21/10/2021 tới ngày 7/1/2022, cổ phiếu CII tăng 200%, từ 19.300 đồng/cổ phiếu lên 57.900 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, khi ban lãnh đạo bán ra và cơn sốt đất Thủ Thiêm lắng xuống do Tân Hoàng Minh bỏ cọc, cổ phiếu CII bước vào chuỗi giảm điểm, không có thanh khoản. Tính tới ngày 4/5/2022, thị giá CII chỉ còn 22.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 61,1% so với mức đỉnh được xác lập vào đầu tháng 1/2022.
Có thể thấy, ban lãnh đạo của CII và LDG đều tận dụng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán cuối năm 2021 chốt lời cổ phiếu ngay vùng đỉnh. Điều này không chỉ phát đi tín hiệu về sự thiếu gắn kết của ban lãnh đạo, khiến nhà đầu tư nghi ngờ về triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai khi cổ đông nội bộ bán ra, mà thực tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Điều lệ của CII và LDG đều quy định, nếu đại hội đồng cổ đông lần 1 tổ chức không thành, doanh nghiệp sẽ tổ chức đại hội lần 2 trong vòng 30 ngày và đại hội sẽ được tổ chức nếu có ít nhất 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự; đại hội lần 3 sẽ tổ chức sau 20 ngày nếu đại hội lần 2 không tổ chức được, trường hợp này không phụ thuộc vào tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Nếu tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội lần 2 không có cải thiện so với lần 1 thì nhiều khả năng hai doanh nghiệp này sẽ phải chờ tới lần thứ 3 mới tổ chức thành công.
Đại hội đồng cổ đông thường niên là dịp để lãnh đạo doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông về các kế hoạch, chiến lược kinh doanh, chỉ tiêu kinh doanh năm. Việc chậm trễ tổ chức đại hội sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai các kế hoạch kinh doanh năm, đồng thời gây khó khăn cho nhà đầu tư bên ngoài khi xem xét đầu tư vào các cổ phiếu nêu trên.
Nhìn sang các doanh nghiệp lớn, phát triển ổn định, bền vững, ban lãnh đạo luôn nắm tỷ lệ đủ lớn để chi phối hướng đi của doanh nghiệp.
Trường hợp của CII và LDG có bóng dáng, nguy cơ trì trệ kéo dài như SAM trước đây, cũng nhiều lần phải triệu tập đại hội cổ đông lần hai, lần ba mới thành công, ít nhất cho đến khi có một nhóm cổ đông mới vào nắm quyền chi phối.